Tiền gửi ngân hàng tại các tổ chức tín dụng bao gồm các hình thức tiền gửi của tổ chức (trừ của tổ chức tín dụng) cá nhân dưới hình thức tiền gửi không kỳ hạn, tiền gửi có kỳ hạn, tiền gửi tiết kiệm, chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, tín phiếu – trái phiếu và các hình thức nhận tiền gửi khác theo nguyên tắc có hoàn trả đầy đủ tiền gốc, lãi cho người gửi tiền theo thỏa thuận.
Quy định của pháp luật về tiền gửi tiết kiệm
Tiền gửi tiết kiệm là khoản tiền được người gửi tiền gửi tại tổ chức tín dụng theo nguyên tắc được hoàn trả đầy đủ tiền gốc, lãi theo thỏa thuận với tổ chức tín dụng. Giao dịch tiền gửi tiết kiệm bao gồm giao dịch nhận, gửi tiền tiết kiệm, chi trả, rút tiền tiết kiệm, sử dụng tiền gửi tiết kiệm làm tài sản bảo đảm và chuyển giao quyền sở hữu tiền gửi tiết kiệm.
Việc gửi tiền tiết kiệm bằng đồng Việt Nam chỉ dành cho công dân Việt Nam không dành cho công dân nước ngoài. Riêng việc gửi tiền tiết kiệm bằng ngoại tệ chỉ dành cho công dân Việt Nam là người cư trú, mà không dành cho công dân Việt Nam là người không cư trú. Như vậy, công dân Việt Nam không phải là người cư trú thường xuyên ở Việt Nam (Việt kiều định cư ở nước ngoài) và người nước ngoài, dù có cư trú tại Việt Nam, cùng không được gửi tiết kiệm bằng ngoại tệ.
Thẻ tiết kiệm hoặc Sổ tiết kiệm là chứng chỉ xác nhận quyền sở hữu tiền gửi tiết kiệm của người gửi tiền tại tổ chức tín dụng, được áp dụng đối với trường hợp nhận tiền gửi tiết kiệm tại địa điểm giao dịch hợp pháp thuộc mạng lưới hoạt động của tổ chức tín dụng.
Thẻ tiết kiệm phải có tối thiểu các nội dung sau đây:
– Tên tổ chức tín dụng, con dấu, họ tên, chữ ký của giao dịch viên và của người đại diện hợp pháp của tổ chức tín dụng.
– Họ tên, số và ngày cấp giấy tờ xác minh thông tin cảu người gửi tiền.
– Số Thẻ tiết kiệm, số tiền, đồng tiền, ngày gửi tiền, ngày đến hạn (đối với tiền gửi có kỳ hạn), thời hạn gửi tiền, lãi xuất, phương thức trả lãi.
– Biện pháp để người gửi tiền tra cứu khoản tiền gửi tiết kiệm.
– Xử lý đối với trường hợp nhàu nát, rách, mất Thẻ tiết kiệm.
Ngoài các nội dung trên thì Thẻ tiết kiệm còn có các nội dung khác theo quy định của Tổ chức tín dụng.
Trước năm 2019 pháp luật quy định “chủ sở hữu tiền gửi tiết kiệm là người đứng tên trên thẻ tiết kiệm” là không chính xác vì chủ sở hữu tiền gửi có thể là người khác theo các quy định của pháp luật như Bộ luật dân sự năm 2015, Luật hôn nhân và gia đình năm 2014.
Từ năm 2019 thì việc quy định tài sản bảo đảm là “tiền gửi tiết kiệm được sử dụng để làm tài sản bảo đảm” khác với quy định “thẻ tiết kiệm được sử dụng làm tài sản cầm cố tại các tổ chức tín dụng” như trước ở những điểm sau:
– Việc quy định tài sản bảo đảm là “tiền gửi tiết kiệm” chính xác hơn “thẻ tiết kiệm” vì thẻ tiết kiệm không phải là giấy tờ có giá mà chỉ “là chứng chỉ xác nhận quyền sở hữu tiền gửi tiết kiệm của người gửi tiền”.
– Việc quy định tiền gửi tiết kiệm được “sử dụng để làm tài sản bảo đảm” là rộng hơn việc sử dụng để làm “tài sản cầm cố”, vì theo Bộ luật dân sự năm 2015 thì tài sản này có đươc sử dụng để thực hiện các giao dịch bảo đảm khác như đặt cọc, ký quỹ, ký cược.
– Việc không quy định bảo đảm “tại các tổ chức tín dụng” cũng là rộng hơn trước kia. Khi đã xác định là tài sản bảo đảm thì có thể bảo đảm cho cá nhân, pháp nhân khác, chứ không chỉ bảo đảm tại các tổ chức tín dụng.
Điểm giống nhau giữa tiền gửi tiết kiệm và tiền gửi khác của cá nhân
– Bên nhận tiền gửi tiết kiệm hay tiền gửi có kỳ hạn cơ bản là giống nhau và đều là 5 tổ chức gồm: Ngân hàng thương mại, ngân hàng hợp tác xã, tổ chức tài chính vi mộ, quỹ tín dụng nhân dân, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và tổ chức tín dụng phi ngân hàng. Ngoại trừ tổ chức tín dụng phi ngân hàng không được nhận tiền gửi tiết kiệm.
– Người gửi tiền cơ bản là giống nhau, đều là công dân Việt Nam, không có sự phân biệt thành phần. Quy định “công dân” có phần không phù hợp bới trong mối quan hệ khách hàng với ngân hàng thì khi đó khách hàng được phân biệt giữa người Việt Nam và người nước ngoài (rộng hơn là ở trong và ngoài nước, cư trú và không cư trú).
– Số tiền gửi giống nhau, không phân biệt số lượng, giới hạn mức tiền gửi tối thiểu, tối đa. Pháp luật quy định “tài sản hợp pháp thuộc sở hữu riêng không bị hạn chế về số lượng, giá trị”. Trên thực tế có ngân hàng quy định số tiền gửi tối thiểu mỗi lần giao dịch là vì hiệu quả và lợi ích của ngân hàng.
– Không phân biệt là tiết kiệm hay tích lũy, đầu tư. Điều này khác với trước kia, tiền gửi tiết kiệm là những khoản tiền không quá lớn, nhàn rỗi tạm thời do tiết kiệm chi tiêu. Tức là tiết kiệm là để gửi chứ không phải để gửi tiền đầu tư kinh doanh.
– Thủ tục giấy tờ cơ bản giống nhau.
– Thời hạn gửi tiền không có phân biệt giữa người gửi không kỳ hạn, ngắn hay dài hạn, ngoại trừ tiền gửi tiết kiệm thì “thời hạn gửi tiền cụ thể do tổ chức tín dụng xác định” còn đối với tiền gửi có kỳ hạn thì “thời hạn gửi tiền được thực hiện theo thỏa thuận giữa tổ chức tín dụng và khách hàng”.
– Lãi suất tiền gửi giống nhau, trong đó có việc phải niêm yết công khai lãi suất và trường hợp khống chế “mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi không kỳ hạn, tiền gửi có kỳ hạn dưới 1 tháng, tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng” của cá nhân và pháp nhân.
– Quy định giống nhau về biện pháp để khách hàng tra cứu khoản tiền gửi.
– Sử dụng tiền gửi để làm tài sản bảo đảm giống nhau.
– Tham gia bảo hiểm và được bảo hiểm tiền gửi giống nhau (đối với cá nhân).
Điểm khác nhau giữa tiền gửi tiết kiệm và tiền gửi khác của cá nhân
– Tiền gửi tiết kiệm chỉ dành cho khách hàng cá nhân, không dành cho cả pháp nhân như tiền gửi có kỳ hạn. Tuy nhiên, sự phân biệt này chỉ là hình thức.
Do đó có mẫu thuẫn khi quy định chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại là pháp nhân phải có trách nhiệm gửi vào tài khoản gửi tiết kiệm mở tại tổ chức tín dụng đang hoạt động tại Việt Nam” khoản tiền là kinh phí bảo trì của người mua nhà chung cư.
– Tiền gửi tiết kiệm chỉ dành cho khách hàng cá nhân là người Việt Nam, mà không dành cho cá nhân là người nước ngoài.
– Bảo hiểm tiền gửi chỉ dành cho khách hàng cá nhân, không dành cho pháp nhân.
– Tiền gửi có kỳ hạn thường không có chứng chỉ xác nhận quyền sở hữu tiền gửi (thẻ tiết kiệm) như đối với tiền gửi tiết kiệm.
Quý khách hàng có nhu cầu vui lòng liên hệ trực tiếp qua:
Hotline: 0903217988
Email: contact@luatthienthanh.vn
Văn phòng Công ty Luật hợp danh Thiên Thanh:
Phòng 302, tầng 3, số 142 Lê Duẩn, phường Khâm Thiên, quận Đống Đa, Hà Nội.