Ở bài viết trước, chúng ta đã cùng đặt vấn đề về những tranh chấp nội bộ trong công ty cổ phần và chỉ ra những nhóm nội dung chính thường xuất hiện trong các cuộc họp Đại Hội Đồng Cổ Đông. Tiếp tục với nội dung đó, bài viết này sẽ tiếp tục làm rõ các nhóm quyền của các bên liên quan và chỉ ra những biện pháp định hướng, lưu ý để tiến hành một mùa cổ đông thành công.
Link bài viết trước:
https://luatthienthanh.vn/1407-2/
2.3 Quyền của Ban Kiểm soát.
Trên thực tế Ban kiểm soát chưa thể hiện đầy đủ vai trò bảo vệ cổ đông nên rủi ro mà cổ đông phải gánh chịu là rất lớn. Báo cáo của Ban kiểm soát trong các kỳ đại hội cổ đông thường có cảm giác rằng các báo cáo này chỉ là bản sao các báo cáo của Hội đồng quản trị và Ban Giám đốc. Còn có trường hợp, những vấn đề báo cáo của Ban kiểm soát đã được thống nhất trước với Hội đồng quản trị và Ban Giám đốc trong phiên họp “trù bị” trước đó.
Nhiều việc làm sai trái của Hội đồng quản trị và Ban Giám đốc ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích của cổ đông nhưng không hề có tiếng nói cảnh báo nào từ Ban kiểm soát cho đến khi sự việc bị phát hiện. Cổ đông là chủ sở hữu công ty, bầu ra Ban kiểm soát, nên họ có lý do bất bình về vai trò và chức năng của Ban kiểm soát.
Mặc dù, các quy định pháp luật đã trao cho Ban kiểm soát quyền được triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông khi Hội đồng quản trị không triệu tập họp hoặc có vi phạm nghĩa vụ quản lý, nhưng thực tế ở Việt Nam hiện nay, thực tế cho thấy, ít khi Ban sử dụng quyền hạn này.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc Ban kiểm soát chưa thực sự phát huy được vai trò, trách nhiệm của mình đối với các cổ đông. Trong đó có việc Hội đồng quản trị và Ban Giám đốc luôn tìm cách để tránh khỏi sự kiểm soát từ Ban Kiểm soát khiến hoạt động của ban không đạt hiệu quả, nhiều khi mang nặng tính hình thức. Báo cáo của Ban kiểm soát thường được trình cho Đại hội cổ đông vào mỗi kỳ họp. Thời gian giữa các kỳ họp lại quá xa và như vậy, báo cáo của Ban kiểm soát không còn tính thời sự.
Ban kiểm soát là một cơ chế phù hợp để cổ đông tự bảo vệ mình. Nếu toàn bộ quyền lực trong Công ty cổ phần đều tập trung vào Hội đồng quản trị và Ban Giám đốc, thì có thể xảy ra tình trạng lạm quyền và khi đó cổ đông sẽ không được bảo vệ. Muốn như thế, hoạt động của Ban kiểm soát cần được điều chỉnh bởi một khung pháp lý rõ ràng hơn, đồng thời chính cổ đông phải hiểu rõ và sử dụng vai trò của Ban kiểm soát một cách thông minh và phù hợp.
2.4 Quyền của cổ đông, tại sao nên tham gia Đại hội đồng cổ đông.
Cổ đông là những “ông chủ” của Doanh nghiệp, họ vừa sở hữu doanh nghiệp vừa quyết định các kế hoạch kinh doanh phát triển công ty nhằm thu lợi nhuận. Muốn trở thành các cổ đông của công ty, bạn cần mua cổ phiếu phát hành của công ty đó trước ngày giao dịch không hưởng quyền để được tham dự họp Đại hội Đồng cổ đông.
Cổ đông có quyền và lợi ích hợp pháp được quy định tại điều 115 Luật Doanh nghiệp năm 2020. Theo đó có thể nhóm các nhóm quyền chính như: quyền nhận cổ tức; quyền tiếp cận thông tin; quyền tham dự ĐHĐCĐ ,quyết định hướng phát triển công ty và quyền quyết định lương thưởng của ban điều hành.
Chính vì vậy, các cổ đông nhất định nên tham gia cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên để sử dụng quyền lợi của mình và mở rộng cơ hội hợp tác. Cụ thể, cổ đông nên tham gia họp ĐHĐCĐ vì những lợi ích sau:
Thứ nhất, tham gia ĐHĐCĐ để nắm rõ định hướng kinh doanh, biết được mục tiêu doanh thu/ lợi nhuận, phương án phân phối lợi nhuận, chia cổ tức… để tạo cơ sở ra quyết định tiếp tục đầu tư.
Thứ hai, tham gia ĐHĐCĐ để thực hiện quyền làm chủ doanh nghiệp như quyền biểu quyết, phủ quyết các Nghị Quyết quan trọng.
Thứ ba, có cơ hội được chất vấn ban lãnh đạo về các thông tin về công tác điều hành, quản lý, cơ cấu kinh doanh cũng như các tin đồn, tình trạng pháp lý của doanh nghiệp.
Thứ tư, có cơ hội gặp gỡ giao lưu với các nhà đầu tư khác.
III. Định hướng biện pháp giải quyết tranh chấp nội bộ trong công ty cổ phần.
1. Quy định pháp luật về giải quyết các tranh chấp nội bộ trong công ty cổ phần.
Pháp luật hiện hành quy định, khi có tranh chấp nội bội trong công ty cổ phần, sẽ căn cứ vào các cơ sở pháp lý như: Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông; Nghị quyết Hội đồng quản trị; Quyết định cá biệt của Chủ tịch; Hội đồng quản trị; Điều lệ, nội quy công ty và 2 bộ luật chính là Luật Doanh nghiệp và bộ luật Tố tụng Dân sự kèm theo các văn bản hướng dẫn.
Cụ thể, các cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp bao gồm Đại hội đồng cổ đông bất thường, Tòa án theo quy trình soạn thảo đơn khởi kiện. Trong trường hợp, doanh nghiệp của bạn không thể giải quyết tranh chấp nhưng không muốn đưa thông tin về mâu thuẫn nội bộ. Doanh nghiệp của bạn, có thể chọn cách mời các luật sư, hòa giải viên đến tham gia các buổi họp ĐHĐCĐ.
2. Thực trạng trong hoạt động của Doanh nghiệp.
Thực tiễn cho thấy, các doanh nghiệp ở Việt Nam chỉ chú trọng quan tâm đến việc phát triển hoạt động kinh doanh và giảm thiểu các chi phí mà không quan tâm đến các yếu tố thủ tục, thẩm quyền và các rủi ro pháp lý trong môi trường kinh doanh. Chỉ đến khi sự việc đã vỡ lở mới tìm đến các bên tư vấn pháp lý, mới thuê luật sư giải quyết hậu quả với những mâu thuẫn đã âm ỉ trong chính “sân nhà” của mình.
Tuy nhiên, vô hình chung cuộc chơi tại sân nhà nội bộ công ty lại vô cùng có hại và ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp. Mất uy tín mất địa vị cũng được coi là một “án tử” với doanh nghiệp.
3. Giới thiệu về gói dịch vụ Hỗ trợ Doanh nghiệp của Luật Thiên Thanh trong mùa Đại hội đồng cổ đông.
Hiểu được tâm lý và những trăn trở ấy. Trong mùa Đại hội Đồng cổ đông này, Công ty Luật Hợp danh Thiên Thanh đã quyết định công khai, hệ thống hóa gói dịch vụ hỗ trợ Doanh nghiệp với những dịch vụ pháp lý như:
- Tư vấn thủ tục, trình tự pháp lý, tham dự, điều phối, xem xét, tính toán, cân đối và quản trị rủi ro pháp lý cho cuộc họp Đại hội Đồng cổ đông.
- Tư vấn, xem xét, định hướng, đánh giá doanh nghiệp mở rộng ngành nghề kinh doanh.
- Giải quyết các tranh chấp nội bộ thông qua quy chế Hòa giải viên.
Chúng tôi hy vọng, bài viết trên sẽ giúp ích cho bạn và Doanh nghiệp của bạn. Nếu có bất cứ câu hỏi hay nhu cầu tư vấn nào hãy liên hệ với chúng tôi. Chúc Doanh nghiệp của bạn kết thúc một kỳ kinh doanh thành công.