Hội nghị chủ nợ là nơi mà chủ nợ và các bên liên quan cùng ngồi lại với nhau để thể hiện quyền lợi của mình thông qua việc xem xét, thảo luận và thống nhất về các giải pháp, phương án phù hợp nhất đối với doanh nghiệp bị yêu cầu phá sản. Các quyết định trong Hội nghị chủ nợ sẽ ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của các bên. Để đảm bảo công bằng, bình đẳng, pháp luật đã quy định cụ thể các chủ thể có quyền và nghĩa vụ tham gia Hội nghị chủ nợ.
1) Hội nghị chủ nợ là gì
– Hội nghị chủ nợ là Cuộc họp của các chủ nợ được triệu tập trong thủ tục giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản doanh nghiệp để thảo luận thông qua phương án hòa giải, giải pháp tổ chức lại hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp hoặc kiến nghị về phương án phân chia tài sản khi doanh nghiệp bị tuyên bố phá sản.
– Hội nghị chủ nợ do Thẩm phán được phân công giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản doanh nghiệp triệu tập và chủ trì. Nếu sau hai lần triệu tập mà vẫn không hợp lệ theo các điều kiện luật định thì Thẩm phán ra quyết định đình chỉ việc giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản.
2) Những ai có quyền và nghĩa vụ tham gia hội nghị chủ nợ
Theo Điều 77 Luật Phá sản 2014, những người sau đây có quyền tham gia Hội nghị chủ nợ:
– Chủ nợ có tên trong danh sách chủ nợ. Chủ nợ có thể ủy quyền bằng văn bản cho người khác tham gia Hội nghị chủ nợ và người được ủy quyền có quyền, nghĩa vụ như chủ nợ;
– Đại diện cho người lao động, đại diện công đoàn được người lao động ủy quyền; trường hợp này đại diện cho người lao động, đại diện công đoàn có quyền, nghĩa vụ như chủ nợ;
– Người bảo lãnh sau khi đã trả nợ thay cho doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán; trường hợp này người bảo lãnh trở thành chủ nợ không có bảo đảm.
* Trong đó:
+ Chủ nợ không có bảo đảm là cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền yêu cầu doanh nghiệp, hợp tác xã phải thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ không được bảo đảm bằng tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã hoặc của người thứ ba.
+ Chủ nợ có bảo đảm là cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền yêu cầu doanh nghiệp, hợp tác xã phải thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ được bảo đảm bằng tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã hoặc của người thứ ba.
+ Chủ nợ có bảo đảm một phần là cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền yêu cầu doanh nghiệp, hợp tác xã phải thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ được bảo đảm bằng tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã hoặc của người thứ ba mà giá trị tài sản bảo đảm thấp hơn khoản nợ đó.
(Khoản 4, 5, 6 Điều 4 Luật Phá sản 2014)
Nếu có nhu cầu hãy liên hệ với Luật Thiên Thanh để nhận được tư vấn sớm nhất:
Hà Nội : Phòng 302, tầng 3, 142 Lê Duẩn, phường Khâm Thiên, quận Đống Đa, Hà Nội
Hồ Chí Minh: Phòng 6.16, Rivergate Resident 153-155 Bến Vân Đồn, Phường 6, Quận 4, TPHCM
Hotline: 0903 217 988
Email: contact@luatthienthanh.vn