Hiện nay, tình trạng mua bán thực phẩm giả đang tràn lan trên khắp thị trường. Việc mua bán hàng giả diễn ra vô cùng phổ biến và tinh vi khiến người mua không thể phận biệt. Thậm chí, việc mua bán hàng giả là thực phẩm gây ra hậu quả rất lớn cho người tiêu dùng. Vậy hành vi như thế nào được xác định là hành vi mua bán hàng giả? Tội mua hàng giả là thực phẩm sẽ bị xử lý như thế nào?
Luật Thiên Thanh sẽ cung cấp thông tin cần thiết vấn đề trên.
Hàng giả là gì?
Theo Khoản 7, Điều 3, Nghị định 98/2020/NĐ – CP định nghĩa hàng giả là:
– Hàng hóa có giá trị sử dụng, công dụng không đúng với nguồn gốc bản chất tự nhiên, tên gọi của hàng hóa; hàng hóa không có giá trị sử dụng, công dụng hoặc có giá trị sử dụng, công dụng không đúng so với giá trị sử dụng, công dụng đã công bố hoặc đăng ký;
– Hàng hóa có ít nhất một trong các chỉ tiêu chất lượng hoặc đặc tính kỹ thuật cơ bản hoặc định lượng chất chính tạo nên giá trị sử dụng, công dụng của hàng hóa chỉ đạt mức từ 70% trở xuống so với mức tối thiểu quy định tại quy chuẩn kỹ thuật;
Hoặc tiêu chuẩn chất lượng đã đăng ký, công bố áp dụng hoặc ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa;
– Thuốc giả theo quy định tại khoản 33 Điều 2 Luật Dược 2016 và dược liệu giả theo quy định tại khoản 34 Điều 2 Luật Dược 2016;
– Thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật không có hoạt chất; không có đủ loại hoạt chất đã đăng ký; có hoạt chất khác với hoạt chất ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa;
Có ít nhất một trong các hàm lượng hoạt chất chỉ đạt từ 70% trở xuống so với mức tối thiểu quy định tại quy chuẩn kỹ thuật hoặc tiêu chuẩn chất lượng đã đăng ký, công bố áp dụng;
– Hàng hóa có nhãn hàng hóa hoặc bao bì hàng hóa ghi chỉ dẫn giả mạo tên, địa chỉ tổ chức, cá nhân sản xuất hoặc nhập khẩu, phân phối hàng hóa;
Giả mạo mã số đăng ký lưu hành, mã số công bố, mã số mã vạch của hàng hóa hoặc giả mạo bao bì hàng hóa của tổ chức, cá nhân khác; giả mạo về nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa hoặc nơi sản xuất, đóng gói, lắp ráp hàng hóa;
– Tem, nhãn, bao bì hàng hóa giả.
Mua bán hàng giả là thực phẩm sẽ bị xử lý như thế nào?
Theo Điều 193 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017) quy định về tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm như sau:
(1) Người nào sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm.
(2) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
– Có tổ chức;
– Có tính chất chuyên nghiệp;
– Tái phạm nguy hiểm;
– Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
– Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
– Buôn bán qua biên giới;
– Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 150 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng;
– Thu lợi bất chính từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng;
– Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
– Gây thiệt hại về tài sản từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng.
(3) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
– Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá 500 triệu đồng trở lên;
– Thu lợi bất chính từ 500 triệu đồng đến dưới 1 tỷ 500 triệu đồng;
– Gây thiệt hại về tài sản từ 500 triệu đồng đến dưới 1 tỷ 500 triệu đồng;
– Làm chết người;
– Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61 % trở lên;
– Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%.
(4) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
– Thu lợi bất chính 1 tỷ 500 triệu đồng trở lên;
– Gây thiệt hại về tài sản 1 tỷ 500 triệu đồng trở lên;
– Làm chết 02 người trở lên;
– Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 122% trở lên.
(5) Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
(6) Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều 193 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017), thì bị phạt như sau:
– Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại (1) mục này, thì bị phạt tiền từ 01 tỷ đồng đến 03 tỷ đồng;
– Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c, e, g, h, i và k khoản 2 Điều 193 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017), thì bị phạt tiền từ 03 tỷ đồng đến 06 tỷ đồng;
– Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại (3) mục này thì bị phạt tiền từ 06 tỷ đồng đến 09 tỷ đồng;
– Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại (4) mục này thì bị phạt tiền từ 09 tỷ đồng đến 18 tỷ đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;
– Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 Bộ luật Hình sự 2015 thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn:
+ Đình chỉ hoạt động vĩnh viễn là chấm dứt hoạt động của pháp nhân thương mại trong một hoặc một số lĩnh vực mà pháp nhân thương mại phạm tội gây thiệt hại hoặc có khả năng thực tế gây thiệt hại đến tính mạng của nhiều người, gây sự cố môi trường hoặc gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội và không có khả năng khắc phục hậu quả gây ra.
+ Pháp nhân thương mại được thành lập chỉ để thực hiện tội phạm thì bị đình chỉ vĩnh viễn toàn bộ hoạt động.
– Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 300 triệu đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.
Trên đây là một số thông tin về mua bán hàng giả là thực phẩm và quy định xử phạt của pháp luật hiện hành.
Nếu có nhu cầu hãy liên hệ với Luật Thiên Thanh để nhận được tư vấn sớm nhất:
Hà Nội : Phòng 302, tầng 3, 142 Lê Duẩn, phường Khâm Thiên, quận Đống Đa, Hà Nội
Hồ Chí Minh: Phòng 6.16, Rivergate Resident 153-155 Bến Vân Đồn, Phường 6, Quận 4, TPHCM
Hotline: 0903 217 988
Email: contact@luatthienthanh.vn