Sự bùng nổ của khoa học công nghệ là đòn bẩy cho sự ra đời của sản phẩm trí tuệ. Khi sản phẩm trí tuệ không ngừng tăng lên thì quyền sở hữu trí tuệ cũng dễ bị xâm phạm hơn nhất là trong thời kỳ công nghệ số ngày nay.
Sở hữu trí tuệ là gì?
“Trí tuệ” là nhận thức lý tính đạt đến một trình độ nhất định, đây là năng lực riêng của con người.
Tài sản trí tuệ là những thành quả do hoạt động trí tuệ con người tạo ra. “Sở hữu trí tuệ” được hiểu là sự sở hữu đối với những tài sản trí tuệ đó.
Là các quyền xuất phát từ hoạt động trí tuệ trong các lĩnh vực công nghiệp, khoa học, văn học và nghệ thuật hợp pháp. Theo đó, quyền sở hữu trí tuệ là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tài sản trí tuệ, bao gồm:
– Quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả;
– Quyền sở hữu công nghiệp;
– Quyền đối với giống cây trồng.
Tại sao phải bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ?
Những năm gần đây, với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ nhất là công nghệ số, có thể thấy một sản phẩm thành công trên thị trường thì ngay sau đó sẽ xuất hiện những sản phẩm tương tượng, hoặc là giống với sản phẩm đó. Từ đây tạo áp lực lên chủ sở hữu sản phẩm gốc, thậm chí có những sản phẩm gốc bị chính sản phẩm ăn theo đó đánh bật khỏi thị trường. Đây chính là lúc, thấy được vị thế, tầm quan trọng trong việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.
- Bảo vệ sở hữu trí tuệ khuyến khích sự sáng tạo
Một sản phẩm là sự kết tinh của thành quả nghiên cứu, lao động, là chất xám của người sáng tạo, người sở hữu. Không ai muốn công sức, trí tuệ của mình bị sao chép, xâm phạm vì vậy bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ là tôn trọng chủ sở hữu. Khi trí tuệ, quyền lợi của mình được bảo vệ sẽ là động lực để những người để sáng tạo tiếp tục cống hiến tạo ra giá trị
- Bảo vệ sở hữu trí tuệ thúc đẩy kinh doanh
Nhờ vào việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm trí tuệ của mình, các doanh nghiệp sẽ không phải đối mặt với những thiệt hại về mặt kinh tế do hành vi “chiếm đoạt” của các đối thủ cạnh tranh. Từ đó góp phần vào việc giảm thiểu tổn thất và thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh hợp pháp.
- Bảo vệ sở hữu trí tuệ là bảo vệ lợi ích người tiêu dùng
Với những thủ đoạn tinh vi thì các mặt hàng bị làm giả, làm nhái giống với hàng thật xuất hiện trên thị trường ngày một phổ biến thì người tiêu dùng khó lòng phân biệt được, rất dễ mua phải những loại hàng kém chất lượng này. Từ đây quyền lợi người tiêu dùng; uy tín và doanh thu cho các chủ thể đang sản xuất, kinh doanh những mặt hàng có chất lượng, có sự đầu tư trí tuệ vào sản phẩm cũng bị ảnh hưởng.
Thường vào dịp tết hàng năm dân mạng lại được phen nháo nhào nhờ những màn review, unbox bánh kẹo theo kiểu treo đầu dê bán thịt chó với chất lượng kém, không đáng giá tiền bỏ ra. Với tư cách là một người tiêu dùng bỏ tiền ra mua hàng hóa thì không ai muốn mình ăn phải cú lừa.
Vì vậy, việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cũng là cách giúp cho người tiêu dùng có cơ hội lựa chọn sử dụng các hàng hóa, dịch vụ chất lượng cao.
- Bảo vệ sở hữu trí tuệ tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh
Tạo dựng và bảo đảm môi trường cạnh tranh lành mạnh của cơ chế bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ nói chung cũng như bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp nói riêng. Bằng cơ chế bảo hộ độc quyền, pháp luật sở hữu trí tuệ chống mọi hành vi sử dụng các dấu hiệu trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu đang được bảo hộ cũng như những hành vi bộc lộ, sử dụng trái phép thông tin bí mật được bảo hộ…Không cá nhân, doanh nghiệp nào muốn sản phẩm đầu tư trí tuệ công sức của mình lại bị làm giả, làm nhái nhất là sau đó sản phẩm đó trở thành sản phẩm cạnh tranh trên thị trường với sản phẩm chính gốc.
- Bảo vệ sở hữu trí tuệ tạo uy tín cho doanh nghiệp
Để một sản phẩm đến tay người tiêu dùng phải trải qua nhiều công đoạn. Từ việc cá nhân, doanh nghiệp đầu tư chất xám lên ý tưởng, nghiên cứu, thử nghiệm,… đến việc đầu tư việc bạc vật chất cho nghiên cứu, công bố, Marketing,…Đó là cả một quá trình dài chứng tỏ tâm huyết và sự uy tín của chủ sở hữu. Nhờ vào bảo vệ sở hữu trí tuệ, công ty sẽ xây dựng được “uy tín thương hiệu”. Được nhiều người biết đến và tin dùng.
- Bảo vệ sở hữu trí tuệ mang lại lợi ích quốc gia
Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ còn có ý nghĩa về chính trị, đóng vai trò quan trọng trong việc hội nhập kinh tế nước ta với thế giới. Nếu muốn gia nhập làm thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới WTO thì điều kiện tiên quyết đối với các quốc gia là bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.