Đại lý thương mại là một hình thức kinh doanh phổ biến hiện nay vì nó mang lại lợi nhuận tương đối và giảm thiểu rủi ro. Thủ tục thành lập đại lý thương mại như thế nào? Thủ tục pháp lý được thực hiện ra sao?
Đại lý thương mại
Căn cứ theo quy định tại Điều 166 Luật Thương mại 2005 thì đại lý thương mại được hiểu là hoạt động thương mại, theo đó bên giao đại lý và bên đại lý thoả thuận việc bên đại lý nhân danh chính mình mua, bán hàng hoá cho bên giao đại lý hoặc cung ứng dịch vụ của bên giao đại lý cho khách hàng để hưởng thù lao.
Một số quy định pháp luật về đại lý thương mại
Điều 167, Luật Thương mại 2005 quy định như sau:
– Bên giao đại lý là thương nhân giao hàng hoá cho đại lý bán hoặc giao tiền mua hàng cho đại lý mua hoặc là thương nhân uỷ quyền thực hiện dịch vụ cho đại lý cung ứng dịch vụ.
– Bên đại lý là thương nhân nhận hàng hoá để làm đại lý bán, nhận tiền mua hàng để làm đại lý mua hoặc là bên nhận uỷ quyền cung ứng dịch vụ.
Điều 169, Luật Thương mại 2005 quy định về hình thức của Đại lý
– Đại lý bao tiêu là hình thức đại lý mà bên đại lý thực hiện việc mua, bán trọn vẹn một khối lượng hàng hoá hoặc cung ứng đầy đủ một dịch vụ cho bên giao đại lý.
– Đại lý độc quyền là hình thức đại lý mà tại một khu vực địa lý nhất định bên giao đại lý chỉ giao cho một đại lý mua, bán một hoặc một số mặt hàng hoặc cung ứng một hoặc một số loại dịch vụ nhất định.
– Tổng đại lý mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ là hình thức đại lý mà bên đại lý tổ chức một hệ thống đại lý trực thuộc để thực hiện việc mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ cho bên giao đại lý.
– Tổng đại lý đại diện cho hệ thống đại lý trực thuộc. Các đại lý trực thuộc hoạt động dưới sự quản lý của tổng đại lý và với danh nghĩa của tổng đại lý.
– Các hình thức đại lý khác mà các bên thỏa thuận.
Thủ tục thành lập đại lý
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ đăng ký
– Giấy đề nghị đăng ký kinh doanh hộ kinh doanh (Phụ lục III-1 ban hành kèm theo Thông tư số 01/2021/TT-BKHĐT ngày 16 tháng 03 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư), bao gồm:
+ Tên hộ kinh doanh; địa chỉ, địa điểm kinh doanh
+ Ngành nghề kinh doanh;
+ Số vốn kinh doanh;
– Bản sao giấy CMND hoặc thẻ CCCD hoặc hộ chiếu còn hiệu lực của cá nhân tham gia hộ kinh doanh hoặc người đại diện hộ gia đình.
– Bản sao hợp lệ biên bản họp nhóm cá nhân về việc thành lập hộ kinh doanh đối với trường hợp hộ kinh doanh do một nhóm cá nhân thành lập.
Bước 2: Nộp hồ sơ đăng ký
Chủ hộ kinh doanh nộp hồ sơ đến Cơ quan đăng ký kinh doanh (nộp hồ sơ tại Phòng Tài chính – Kế hoạch) cấp quận/huyện nơi đặt địa điểm kinh doanh.
Bước 3: Tiếp nhận hồ sơ đăng ký và cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh
Theo quy định tại điều 32,33 Nghị định 01/2021/NĐ-CP quy định về Đăng ký doanh nghiệp thì:
– Khi tiếp nhận hồ sơ, Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp quận/huyện trao Giấy biên nhận và Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho hộ gia đình trong thời gian 3 ngày kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ nếu có đủ các điều kiện sau đây:
+ Ngành, nghề kinh doanh không thuộc danh mục ngành, nghề cấm kinh doanh;
+ Tên hộ kinh doanh dự định đăng ký phù hợp quy định tại Điều 88 Nghị định 01/2021/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp;
+ Nộp đủ lệ phí đăng ký theo quy định.
– Nếu hồ sơ không hợp lệ, trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ, cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện/quận phải thông báo rõ nội dung cần sửa đổi, bổ sung bằng văn bản cho người thành lập hộ kinh doanh.
Trường hợp còn vấn đề chưa rõ, mời anh/chị liên hệ đến số Hotline 0903217988 để được Luật sư tư vấn kịp thời và đầy đủ nhất!
Nếu có nhu cầu hãy liên hệ với Luật Thiên Thanh để nhận được tư vấn sớm nhất:
Hà Nội : Phòng 302, tầng 3, 142 Lê Duẩn, phường Khâm Thiên, quận Đống Đa, Hà Nội
Hồ Chí Minh: Phòng 6.16, Rivergate Resident 153-155 Bến Vân Đồn, Phường 6, Quận 4, TPHCM
Hotline: 0903 217 988
Email: contact@luatthienthanh.vn
Số hotline: 0903217988