Theo khoản 1 Điều 111 Luật Doanh nghiệp 2020, công ty cổ phần là loại hình doanh nghiệp, trong đó vốn điều lệ được chia thành nhiều phần bằng nhau gọi là cổ phần. Việc chuyển nhượng cổ phần trong công ty cổ phần cần tuân theo các quy định của Luật doanh nghiệp và pháp luật liên quan
Cơ sở pháp lý
– Luật doanh nghiệp số 59/2020/QH-14 có hiệu lực 01/01/2021.
– Nghị định 108/2018 sửa đổi, bổ sung Nghị định 78/2015/NĐ-CP quy định “việc thông báo thay đổi thông tin của cổ đông sáng lập với Phòng Đăng ký kinh doanh.
– Các văn bản pháp luật có liên quan.
Chuyển nhượng cổ phần là gì?
Là việc cổ đông góp vốn trong công ty cổ phần chuyển nhượng lại cổ phần của mình cho một cổ đông khác, là hình thức chuyển giao quyền sở hữu cổ phần trong công ty từ cổ đông góp vốn cũ trong công ty sang cổ đông mới khác. Như vậy khi cổ đông muốn rút vốn một phần hay toàn bộ vốn chỉ cần chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ số cổ phần của mình đang sở hữu cho người khác. Ngoài ra còn có một số trường hợp chuyển nhượng vì những lý do khác mà pháp luật cho phép.
Điều kiện chuyển nhượng cổ phần
Theo quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều 111 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định những trường hợp được chuyển nhượng và những trường hợp bị hạn chế chuyển nhượng, cụ thể như sau:
Cổ đông có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 120 và khoản 1 Điều 127 của Luật này. Như vậy có thể thấy có một số trường hợp pháp luật quy định hạn chế chuyển nhượng đó là:
- Trường hợp quy định tại khoản 3 điều 120 Luật Doanh nghiệp 2020
Trong thời hạn 03 năm kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, cổ phần phổ thông của cổ đông sáng lập được tự do chuyển nhượng cho cổ đông sáng lập khác và chỉ được chuyển nhượng cho người không phải là cổ đông sáng lập nếu được sự chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông. Cổ đông sáng lập dự định chuyển nhượng cổ phần phổ thông thì không có quyền biểu quyết về việc chuyển nhượng cổ phần đó. Như vậy, trong thời hạn 03 năm kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, các cổ đông sáng lập có một số hạn chế là chỉ được chuyển nhượng cho người không phải là cổ đông sáng lập khi được sự chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông.
Thời hạn 3 năm này có thể hiểu là khoảng thời gian cần thiết để công ty có được sự hoạt động ổn định. Việc pháp luật ban hành quy định này nhằm để bảo vệ quyền lợi của công ty và cả của những người đến mua cổ phần sau khi công ty thành lập. Như vậy khi các cổ đông đã sáng lập ra công ty phải có trách nhiệm gắn bó và cố trách nhiệm với công ty, không được tuỳ ý từ bỏ công ty. Việc một cổ đông sáng lập rời khỏi công ty phải được Đại hội đồng cổ đông chấp thuận.
- Cổ phần ưu đãi biểu quyết không được chuyển nhượng quy đinh tại Khoản 3 Điều 116 Luật doanh nghiệp 2020
Cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi biểu quyết không được chuyển nhượng cho người khác, trừ trường hợp chuyển nhượng theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật hoặc thừa kế. Các cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi biểu quyết có quyền biểu quyết về các vấn đề thuộc thẩm quyền của Đại hội đồng cổ đông với số phiếu biểu quyết theo quy định trong Điều lệ công ty. Chính vì vậy, pháp luật quy định như vậy nhằm nâng cao trách nhiệm đối với công ty và sẽ không làm xáo trộn vị trí quản lý của công ty đó.
Hồ sơ chuyển nhượng cổ phần
– Hợp đồng chuyển nhượng.
– Biên bản thanh lý hợp đồng chuyển nhượng.
– Nộp hồ sơ kê khai thuế thu nhập cá nhân và đóng thuế thu nhập cá nhân do chuyển nhượng.
– Bản sao, chứng thực cá nhân của cổ đông chuyển nhượng; người được chuyển nhượng hoặc người được ủy quyền.
Thủ tục chuyển nhượng cổ phần
Căn cứ Khoản 16 Điều 1 Nghị định 108/2018 sửa đổi, bổ sung Nghị định 78/2015/NĐ-CP quy định “việc thông báo thay đổi thông tin của cổ đông sáng lập với Phòng đăng ký kinh doanh chỉ thực hiện trong trường hợp cổ đông sáng lập chưa thanh toán hoặc chỉ thanh toán một phần số cổ phần đã đăng ký mua theo quy định tại Khoản 1 Điều 113 Luật doanh nghiệp”. Theo đó các cổ đông chỉ cần thực hiện các thủ tục chuyển nhượng nội bộ công ty, không cần thực hiện thủ tục thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh tại Phòng đăng ký kinh doanh.
Đối với cổ phần phổ thông của cổ đông sáng lập
– Các bên liên quan ký kết và thực hiện.
– Tiến hành lập biên bản xác nhận về việc đã hoàn thành thủ tục chuyển nhượng.
– Tổ chức cuộc họp Đại hội đồng cổ đông để thông qua về việc chuyển nhượng.
– Tiến hành chỉnh sửa, bổ sung thông tin trong Sổ đăng ký cổ đông công ty.
– Tiến hành đăng ký thay đổi cổ đông sáng lập theo quy định của pháp luật.
Đối với cổ phần phổ thông của cổ đông phổ thông
– Các bên liên quan ký kết và thực hiện hợp đồng chuyển nhượng cổ phần.
– Tiến hành lập biên bản xác nhận về việc đã hoàn thành thủ tục chuyển nhượng.
– Tiến hành chỉnh sửa, bổ sung thông tin trong Sổ đăng ký cổ đông.
– Tiến hành đăng ký cổ đông sở hữu từ 5% tổng số cổ phần trở lên với Cơ quan đăng ký kinh doanh (nếu có).
Quý khách hàng có nhu cầu vui lòng liên hệ trực tiếp qua:
Hotline: 0903217988
Email: contact@luatthienthanh.vn
Văn phòng Công ty Luật hợp danh Thiên Thanh:
Phòng 302, tầng 3, số 142 Lê Duẩn, phường Khâm Thiên, quận Đống Đa, Hà Nội.