Trong giao dịch dân sự vay tài sản giữa cá nhân với cá nhân luôn có nhu cầu được thế chấp quyền sử dụng đất để “làm tin” trong quan hệ vay mượn, trước đây việc này là không thực hiện được vì chưa có quy định cụ thể, rõ ràng. Tuy nhiên theo quy định tại Nghị định 21/2021/NĐ-CP ngày 19/3/2021 thi hành Bộ luật dân sự bảo đảm thực hiện nghĩa vụ có hiệu lực ngày: 15/5/2021 thì có quy định cụ thể cá nhân có thể nhận thế chấp quyền sử dụng đất của cá nhân khác tại Điều 35 cụ thể như sau:
“Điều 35. Việc nhận thế chấp của cá nhân, tổ chức kinh tế không phải là tổ chức tín dụng đối với quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất của hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất
Việc nhận thế chấp của cá nhân, tổ chức kinh tế không phải là tổ chức tín dụng đối với quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất của hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
- Bên nhận thế chấp là tổ chức kinh tế theo quy định của Luật Đất đai, cá nhân là công dân Việt Nam có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;
- Việc nhận thế chấp để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ không vi phạm điều cấm của Bộ luật Dân sự, luật khác liên quan, không trái đạo đức xã hội trong quan hệ hợp đồng về dự án đầu tư, xây dựng, thuê, thuê khoán, dịch vụ, giao dịch khác;
- Trường hợp nghĩa vụ được bảo đảm bao gồm trả tiền lãi thì lãi suất phát sinh do chậm trả tiền, lãi trên nợ gốc trong hạn, lãi trên nợ gốc quá hạn, lãi trên nợ lãi chưa trả hoặc lãi, lãi suất khác áp dụng không được vượt quá giới hạn thỏa thuận về lãi, lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 357, khoản 5 Điều 466 và Điều 468 của Bộ luật Dân sự. Trường hợp có thỏa thuận về việc xử lý đối với hành vi không trả nợ đúng hạn của bên có nghĩa vụ và không có quy định khác của pháp luật thì chỉ xử lý một lần đối với mỗi hành vi không trả nợ đúng hạn;
- Điều kiện có hiệu lực khác của giao dịch dân sự theo quy định của Bộ luật Dân sự, luật khác liên quan.”
Như vậy với quy định này, bất kỳ ai đủ năng lực hành vi dân sự đều có thể nhận thế chấp quyền sử dụng đất do cá nhân, hộ gia đình đang sử dụng đất cùng tài sản gắn liền với đất. Nếu nhận thế chấp để vay mượn tài sản (kèm có trả lãi) thì việc tính lãi suất, lãi trả chậm… được áp dụng theo quy định của Bộ luật dân sự hiện hành. Thay vì trước đây chỉ có các tổ chức tín dụng được nhận thế chấp “sổ đỏ, sổ hồng”, thì nghị định này đã cho phép cá nhân và tổ chức kinh tế khác được nhận thế chấp làm tài sản bảo đảm cho các khoản vay và giao dịch dân sự.
Quy định này giúp tránh được các hợp đồng giả cách giữa chủ nợ với người vay, dẫn đến tranh chấp mà phần thiệt luôn thuộc về người vay.
Trên đây là nội dung tư vấn của Thiên Thanh Law firm, trường hợp còn vấn đề chưa rõ, mời anh/chị liên hệ đến số Hotline 0903217988 để được Luật sư tư vấn kịp thời và đầy đủ nhất!
Nếu có nhu cầu hãy liên hệ với Luật Thiên Thanh để nhận được tư vấn sớm nhất:
Hà Nội : Phòng 302, tầng 3, 142 Lê Duẩn, phường Khâm Thiên, quận Đống Đa, Hà Nội
Hồ Chí Minh: Phòng 6.16, Rivergate Resident 153-155 Bến Vân Đồn, Phường 6, Quận 4, TPHCM
Hotline: 0903 217 988
Email: [email protected]
Số hotline: 0903217988