Hứa thưởng không phải hứa cho vui, hứa nhưng không thực hiện vẫn có thể bị khởi kiện.
HỨA THƯỞNG LÀ GÌ?
Luật không xây dựng định nghĩa chính thức về hứa thưởng mà chỉ thiết lập một số chuẩn mực cơ bản để đóng khung việc xác lập quan hệ hứa thường. Theo BLDS Điều 570 khoản 1, người đã công khai hứa thường phải trả thưởng cho người đã thực hiện công việc theo yêu cầu của người hứa thưởng.
Trong thực tiễn giao lưu dân sự, hứa thưởng được hiểu là việc một người đưa ra một cam kết về việc thưởng bằng tiền hoặc hiện vật cho một hoặc nhiều người đáp ứng được yêu cầu của mình. Thông thường yêu cầu ấy là thực hiện một công việc gì đó (tìm được đồ vật thất lạc, khích lệ thi đấu,…) hoặc không làm một việc (không làm ồn, không hút thuốc,…).
PHÂN BIỆT HỨA THƯỞNG VÀ CÁ CƯỢC.
Cần phân biệt với hứa thưởng và cá cược. Hứa thưởng là một cam kết đơn phương của người hứa, nhưng muốn được thưởng thì người ta phải thực hiện công việc theo yêu cầu: việc có được thưởng hay không tuỳ thuộc vào người chấp nhận yêu cầu hứa thường.
Trong khi đó, cá cược thực sự là một hợp đồng: việc cá cược được chính thức giao kết một khi người tham gia cá cược chấp nhận đề nghị của người tổ chức cá cược và nhận tiền lệ phí của người này, người tổ chức cá cược bị ràng buộc vào nghĩa vụ trả thưởng ngay từ lúc hợp đồng được giao kết, nhưng nghĩa vụ này bị treo cho đến khi kết quả cá cược ngã ngũ; kết quả cá cược hoàn toàn do yếu tố khách quan đối với hai bên giao kết hợp đồng.
ĐIỀU KIỆN XÁC LẬP HỨA THƯỞNG.
Luật không có quy định gì đặc biệt về nội dung cũng như về hình thức mà việc hứa thưởng phải thỏa mãn mới có giá trị. Trong chừng mực nào đó, có thể thừa nhận rằng hứa thưởng, cũng như thi có giải như sẽ thấy sau đây, là những trường hợp đặc biệt của đề nghị giao kết hợp đồng, được gửi cho công chúng. Bằng việc hứa thưởng, người hứa thưởng mời gọi người chấp nhận đề nghị thưởng của mình và thực hiện công việc theo yêu cầu, như là điều kiện để được thưởng. Các quy định trong luật chung về điều kiện để giao kết hợp đồng có giá trị và có hiệu lực ràng buộc đối với người đề nghị đều được áp dụng cho việc hứa thưởng.
Luật chỉ có một quy định riêng cho hứa thưởng, tại Điều 570 khoản 2, theo đó, công việc được hứa thưởng phải cụ thể, có thể thực hiện được, không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội. Ví dụ về công việc không thể thực hiện được, khiến cho lời hứa thưởng trở nên vô giá trị, là người muốn được thưởng phải tự mình đặt chân đến Mặt Trăng. Ví dụ về công việc vi phạm điều cấm của luật là người muốn được thưởng phải giết một người nào đó. Ví dụ về công việc trái đạo đức xã hội là người muốn được thưởng phải có hành vi ngoại tình.
QUYỀN RÚT LẠI TUYÊN BỐ HỨA THƯỞNG
Luật nói rằng khi chưa đến hạn bắt đầu thực hiện công việc, thì người hứa thưởng có quyền rút lại tuyên bố hứa thưởng của mình (BLDS Điều 571).
Vậy, một khi bắt đầu thời hạn thực hiện công việc, thì người hứa thưởng có nghĩa vụ duy trì lời hứa của mình cho đến khi thời hạn này kết thúc.
Ví dụ, lời hứa thưởng ghi nhận rằng kể từ ngày 01/8 đến 30/9, người nào tìm được chú cún đã bị thất lạc, thì sẽ được thưởng. Cho đến hết ngày 31/7, người hứa thưởng có quyền rút lại lời hứa thưởng của mình. Nhưng từ ngày 01/8, thì người hứa thưởng không thể rút lại lời hứa thưởng ngay cả trong trường hợp chưa có ai thực hiện việc tìm ra chú cún bị mất tích.
Muốn rút lại lời hứa thưởng trong điều kiện có thể rút lại được, thì người hứa thưởng phải thực hiện theo cách thức và trên phương tiện mà việc hứa thưởng đã được quy định. (Điều 571).
QUY ĐỊNH VỀ TRẢ THƯỞNG
Hứa thưởng là cam kết đơn phương. Việc trả thưởng được dự kiến như là một phần nội dung cam kết. Trên nguyên tắc, người hứa thưởng được tự do xác định thể thức trả thưởng với điều kiện trong trái pháp luật, không trái đạo đức. Việc trả thưởng theo luật được quy định tại BLDS Điều 572.
“Điều 572. Trả thưởng
- Trường hợp một công việc được hứa thưởng do một người thực hiện thì khi công việc hoàn thành, người thực hiện công việc đó được nhận thưởng.
- Khi một công việc được hứa thưởng do nhiều người cùng thực hiện nhưng mỗi người thực hiện độc lập với nhau thì người hoàn thành đầu tiên được nhận thưởng.
- Trường hợp nhiều người cùng hoàn thành công việc được hứa thưởng vào cùng một thời điểm thì phần thưởng được chia đều cho những người đó.
- Trường hợp nhiều người cùng cộng tác để thực hiện công việc được hứa thưởng do người hứa thưởng yêu cầu thì mỗi người được nhận một phần của phần thưởng tương ứng với phần đóng góp của mình.”
Người hứa thưởng có thể cam kết trả thưởng theo từng giai đoạn thực hiện công việc. Nếu không có cam kết gì đặc biệt thì việc trả thưởng được thực hiện theo Điều 572 khoản 1: người thực hiện công việc nhận thưởng trọn một lần) một khi công việc được hoàn thành. Người hứa thưởng có thể đặt điều kiện theo đó, nếu đã có người nhận lời thực hiện công việc, thì người khác không thể nhận lời được nữa.
Một cách để hữu hiệu hoá điều kiện này là phát đi một vật mang dấu hiệu đặc biệt, một lá cờ chẳng hạn, người nào nắm lấy vật đó, thì có tư cách để thực hiện công việc. Nhưng thông thường, lời hứa thưởng được phát đi rộng rãi và nhiều người có thể thực hiện công việc cùng một lúc. Ví dụ điển hình là hứa thưởng cho người tìm được một con vật nuôi hoặc đồ vật bị thất lạc: lời hứa thưởng được rao trên phương tiện truyền thông nhiều người cùng lao vào tìm kiếm và người nào tìm được đầu tiên sẽ nhận thưởng.
HỨA THƯỞNG NHƯNG KHÔNG THỰC HIỆN CÓ VI PHẠM PHÁP LUẬT?
Pháp luật hiện hành chưa có quy định về việc xử lý việc người hứa thưởng nhưng không thực hiện trả thưởng nhưng nếu không thực hiện thì họ sẽ ảnh hưởng rất nhiều tới uy tín, niềm tin của nhiều người. Trong trường hợp, việc hứa thưởng giữa các bên có thỏa thuận việc hứa thưởng bằng văn bản. Sau khi người được thưởng hoàn thành công việc mà người hứa thưởng không thực hiện, thì người được hứa thưởng có thể khởi kiện ra Tòa án.