ĐƯỜNG ĐẾN ĐẠI HỘI CỔ ĐÔNG – PHẦN 1
Bài viết này khá dài, nhưng chúng tôi chắc chắn nó sẽ cần thiết cho bạn và Doanh nghiệp của bạn. Nó giúp bạn vượt qua “Mùa đại hội đồng cổ đông” mà còn là tài liệu định hướng cho Doanh nghiệp trong suốt quá trình hoạt động.
I. Đặt vấn đề:
Tranh chấp về việc thanh toán cổ phần, tranh chấp về việc chuyển nhượng cổ phần hay thẩm quyền triệu tập họp đại hội đồng cổ đông… là những tranh chấp nội bộ khá phổ biến tại các công ty cổ phần hiện nay.
Những tranh chấp này có rất nhiều tác động tiêu cực ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp và lợi ích của các bên có liên quan. Trên thực tế, nhiều vụ tranh chấp đã dẫn đến những vụ khiếu nại kéo dài gây cản trở, đình trệ hoạt động của các Doanh nghiệp gây ra thiệt hại lớn về tài chính cũng như suy giảm thương hiệu và uy tín của các Doanh nghiệp.
Mặc dù, Luật Doanh nghiệp 2020 đã quy định rõ quyền và nghĩa vụ các cổ đông, Hội đồng quản trị cũng như đưa ra mô hình quản trị mới. Tuy nhiên trên thực tế, các tranh chấp trong nội bộ công ty vẫn diễn ra rất đa dạng và phong phú.
Vậy có thể điểm mặt chỉ tên các nhóm tranh chấp nào? Đâu là lưu ý cho doanh nghiệp để hạn chế cũng như giải quyết tranh chấp nội bộ một cách hiệu quả? Pháp luật hiện hành quy định giải quyết vấn đề này như thế nào?
II. Các nhóm tranh chấp thường phát sinh trong Công ty cổ phần.
1. Nhóm tranh chấp về cổ phần.
Có một lá thư mà mỗi năm mới nhận được một lần từ cuối tháng 3 đến đầu tháng 4. Lá thư này không đơn thuần chỉ là lá thư mời mà nó liên quan trực tiếp đến vật chất, tài sản thậm chí là lợi nhuận phát sinh của người được nhận. Trong lá thư ấy, người gửi thư luôn kính cẩn mời chào. Còn người nhận thư thì cảm xúc phức tạp hơn vừa có niềm vui, nỗi buồn, nhiều kỳ vọng nhưng cũng nhiều trăn trở. Đó chính là lá thư mời họp ĐHĐCĐ mà trong đó điều các cổ đông quan tâm nhất là kết quả kinh doanh của công ty, mức chi trả và phương thức chi trả cổ tức mà họ sẽ được nhận.
1.1 Phân chia cổ tức
Về lý thuyết, bức thư nào cũng tươi sáng và đem lại trái ngọt ngay lập tức. Phân chia cổ tức là có nhưng phân chia dưới hình thức nào mới quan trọng. Liệu cổ đông có nhận được tiền lợi nhuận hay tiếp túc nhận “cổ tức giấy” – cổ phiếu.
Thực tế, đa số các công ty đều chia cổ phiếu với mục tiêu giữ lại cổ tức, giữ lại lợi nhuận để đặt ra bài toán về ổn định tăng nguồn vốn. Đặc biệt với các tổ chức tín dụng, các ngân hàng việc giữ lại cổ tức của cổ đông rất phổ biến với các lý do đang thuộc diện kiểm soát đặc biệt. Làn sóng “bỏ quên lợi tức” nhận chứng khoán đôi khi cũng là một cách đầu tư ẩn với chỉ số lãi kép. Tuy nhiên, ban lãnh đạo công ty không nên lạm dụng hình thức này.
Bởi mãi duy trì nó, kinh doanh lãi lớn nhưng không chia lợi nhuận bằng tiền sẽ gây mâu thuẫn với cổ đông và dẫn đến nhiều tình huống xấu như rút vốn, bán tháo hàng loạt. Thậm chí nếu tình trạng kinh doanh tiếp theo không ổn định, doanh nghiệp sẽ rất dễ rơi vào trạng thái tiền phá sản thẩm chí và phá sản và phải chi trả những khoản nợ khủng lồ.
Chính vì vậy, cách thông minh nhất là hãy xác định tỉ số phần trăm trả và giữ cổ tức vừa đảm bảo giữ chân các nhà đầu tư, vừa bảo toàn được nguồn vốn.
Tuy nhiên việc, xác định mức tỉ lệ phân chia lợi tức không chỉ đòi hỏi kiến thức chuyên môn về quản trị kinh doanh, thêm vào đó là cả kiến thức pháp luật trong quản trị rủi ro và thực hiện chặt chẽ, minh bạch các quy định thủ tục pháp luật liên quan.
Ngay từ những thủ tục tiến hành tổ chức họp ĐHĐCĐ hay công tác hệ thống ghi nhận biên bản sao cho hợp pháp, có hiệu lực, đúng thẩm quyền và không bị tranh chấp, khiếu nại, khởi kiện.
1.2 Tranh chấp về tư cách cổ đông
Việc tranh chấp tư cách cổ đông là điều thường xuyên diễn ra đặc biệt trong giai đoạn góp vốn ban đầu. Có những cổ đông sáng lập, mặc dù việc góp vốn chưa được thực hiện đầy đủ nhưng lại yêu cầu quyền và nghĩa vụ tương đương.
Bên cạnh đó, với phương thức góp vốn không phải bằng tiền. Sẽ dẫn đến việc định giá tài sản cao hơn thực tế. Hay phát sinh ra các sự kiện như: không chuyển quyền sở hữu tài sản góp vốn; thỏa thuận bằng miệng hoặc không thỏa thuận trước với nhau về việc góp vốn; không quy định cụ thể về thời điểm hoàn tất việc chuyển nhượng cổ phần…
Ngoài ra, việc lạm dụng tư cách cổ đông đặc biệt là cổ đông lớn, người đại diện, người quản lý cũng dẫn tới những giao dịch tư lợi cá nhân gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến công ty.
Đặc biệt trong bối cảnh kinh tế mở, có rất nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nên không ngoài khả năng sẽ có những tranh chấp phát sinh giữa nhóm cổ đông nước ngoài. Mà việc giải quyết chúng sẽ yêu cầu rất nhiều yếu tố liên quan đến tư pháp quốc tế.
2. Nhóm tranh chấp về thẩm quyền, quản lý điều hành:
2.1 Thẩm quyền và hậu quả pháp lý các quyết định của Hội đồng quản trị.
Hội đồng quản trị của công ty cổ phần là cơ quan quản lý công ty cổ phần, có toàn quyền nhân danh công ty để quyết định, thực hiện các quyền và nghĩa vụ của công ty không thuộc thẩm quyền của Đại hội đồng cổ đông.
Hội đồng quản trị có chức năng quản lý là chức năng chính: quyết định Giám đốc, Tổng Giám đốc và người quản lý khác trong điều hành công việc, quyết định phương án đầu tư và dự án đầu tư trong thẩm quyền và giới hạn theo quy định của pháp luật; quyết định giải pháp phát triển thị trường, tiếp thị và công nghệ, quyết định cơ cấu tổ chức, quy chế quản lý nội bộ của công ty, quyết định thành lập công ty con, lập chi nhánh, văn phòng đại diện và việc góp vốn, mua cổ phần của doanh nghiệp khác,…
Quyết định được thông qua bằng các phương thức như là biểu quyết tại cuộc họp, lấy ý kiến bằng văn bản hoặc hình thức khác do Điều lệ công ty quy định.
Những quyết định thuộc thẩm quyền của Hội đồng quả trị ảnh hưởng lớn tới việc kinh doanh của công ty cũng như quyền và lợi ích của các cổ đông.. Vậy nên pháp sinh tranh chấp thẩm quyền, mâu thuẫn trong quản lý điều hành của Hội đồng quản trị là điều không tránh khỏi. Việc cân bằng giữa quyền, lợi ích của cổ đông và định hướng phát triển kinh doanh của công ty phụ thuộc vào quyết định của Hội đồng quản trị.
Khi Hội đồng quản trị vi phạm nghiêm trọng quyền của cổ đông, nghĩa vụ của người quản lý hoặc ra quyết định vượt quá thẩm quyền được giao; Nhiệm kỳ của Hội đồng quản trị đã vượt quá 06 tháng mà Hội đồng quản trị mới chưa được bầu thay thế hoặc trường hợp khác theo quy định của Điều lệ công ty mà Hội đồng quản trị không tiến hành triệu tập cuộc họp bất thường để giải quyết các vấn đề trên sẽ có thể gây ra những thiệt hại rất lớn cho công ty khi hoạt động điều hành không được thực hiện đúng hay các quyết định đã được thông qua không đúng thẩm quyền.
Khi quyết định do Hội đồng quản trị thông qua trái với quy định của pháp luật hoặc Điều lệ công ty gây thiệt hại cho công ty thì các thành viên tán thành thông qua nghị quyết đó phải cùng liên đới chịu trách nhiệm cá nhân về nghị quyết đó và phải đền bù thiệt hại cho công ty; thành viên phản đối thông qua nghị quyết nói trên được miễn trừ trách nhiệm.
2.2 Giao dịch tư lợi của cổ đông lớn, người quản lý điều hành.
Người đại diện lợi dụng thực hiện hành vi trục lợi thông qua các giao dịch bao gồm: cổ đông, người đại diện ủy quyền của cổ đông nắm số lượng cổ phần cao (cổ đông lớn, nắm giữ trên 35% tổng số cổ phần phổ thông của công ty), người được cử làm quản lí, đại diện cho cổ đông là tổ chức, thành viên HĐQT, GĐ, TGĐ CTCP,..
Các hợp đồng có khả năng tư lợi rất phổ biến với hình thức đa dạng như: cài giá vào hợp đồng mua bán hàng hóa cho công ty cao hơn mức bình thường; bán hàng hóa của công ty thấp hơn thị trường; thuê mướn nhân công với những người có liên quan với mức lương cao hơn những người khác ở cùng vị trí …Ngoài ra có những hành vi tự lợi rất lớn như từ bỏ một vật quyền: từ bỏ quyền đòi nợ, cho hoãn nợ,…
Giao dịch tư lợi nảy sinh gây thiệt hại về tài sản, quyền lợi cho công ty. Công ty hoạt động kinh doanh không chỉ dựa vào tài sản mà còn dựa vào uy tín, danh dự. Nếu giao dịch tư lợi xảy ra sẽ gây thiệt hại cho công ty về mặt tài sản hoặc làm giảm sút uy tín của công ty, gây thiệt hại tiêu cực mà các cổ đông phải gành chịu và ảnh hưởng đến cả những đối tác của công ty như mất cơ hội có được hợp đồng kinh doanh, bị cạnh tranh không lành mạnh…Rộng hơn còn ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh tác động xấu về mặt kinh tế xã hội.
Những hợp đồng được thể hiện dưới hình thức hợp pháp nhưng thực chất là thể hiện ý chí, mục đích trục lợi của cá nhân người giao kết, nghĩa là mang trong nó yếu tố bất hợp pháp dạng ẩn, nếu không được phát hiện nó vẫn tồn tại công khai, có giá trị bắt buộc thực hiện và được pháp luật bảo vệ.
Link bài viết phần II:
Đường đến đại hội cổ đông- Phần 2 “Những lưu ý cho mùa Đại Hội Đồng Cổ Đông thành công”.