Hiện nay bảo hiểm trách nhiệm dân sự là một phần không thể thiếu trong đời sống của chúng ta. Vậy thì bảo hiểm trách nhiệm dân sự là gì? Và quy định về bảo hiểm trách nhiệm dân sự như thế nào? Hãy cùng Luật Thiên Thanh tìm hiểu.
Bảo hiểm trách nhiệm dân sự là gì?
Hiện nay không có văn bản pháp luật nào quy định cụ thể khái niệm “Bảo hiểm trách nhiệm dân sự”, vậy nên theo các quy định tại các văn bản pháp luật khác có liên quan:
Căn cứ theo Điều 57 Luật kinh doanh bảo hiểm quy định về đối tượng của hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm dân sự: “Đối tượng bảo hiểm của hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm là trách nhiệm dân sự của người được bảo hiểm đối với người thứ ba theo quy định của pháp luật.”
Như vậy có thể hiểu Bảo hiểm trách nhiệm dân sự được định nghĩa là loại hình bảo hiểm cho trách nhiệm dân sự của cá nhân hoặc tổ chức đối với bên thứ ba khi xảy ra rủi ro.
Bên thứ ba là người bị thiệt hại về sức khỏe, tính mạng, tài sản do xe cơ giới gây ra, trừ những người sau:
- Người lái xe, người trên chính chiếc xe đó.
- Chủ sở hữu xe trừ trường hợp chủ sở hữu đã giao cho Tổ chức, cá nhân khác chiếm hữu, sử dụng chiếc xe đó.
Người được bảo hiểm là chủ xe cơ giới hoặc người lái xe có trách nhiệm dân sự được bảo hiểm theo hợp đồng bảo hiểm. Xe cơ giới hoạt động là xe cơ giới có sự điều khiển của người lái xe đang vận hành gồm di chuyển, dừng xe, đỗ xe. Tham gia giao thông là việc chủ xe cơ giới, người lái xe điều khiển xe cơ giới tham gia giao thông đường bộ.
Căn cứ theo Khoản 2 Điều 8 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 thì Bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới là bảo hiểm bắt buộc.
Nguyên tắc tham gia bảo hiểm
Căn cứ theo Điều 4 Nghị định 03/2021/NĐ-CP thì nguyên tắc tham gia bảo hiểm là:
- Doanh nghiệp bảo hiểm và bên mua bảo hiểm triển khai Bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới theo điều kiện, mức phí bảo hiểm, mức trách nhiệm bảo hiểm quy định tại Nghị định này.
- Đối với mỗi xe cơ giới, trách nhiệm bồi thường bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới chỉ phát sinh theo một hợp đồng bảo hiểm duy nhất.
- Ngoài việc tham gia hợp đồng bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới theo điều kiện, mức phí bảo hiểm, mức trách nhiệm bảo hiểm quy định tại Nghị định này, chủ xe cơ giới và doanh nghiệp bảo hiểm có thể thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm về mở rộng điều kiện bảo hiểm, mức trách nhiệm bảo hiểm tăng thêm và mức phí bảo hiểm bổ sung tương ứng. Trong trường hợp này, doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm tách riêng phần bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới trong Giấy chứng nhận bảo hiểm.
Nội dung của giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự
Căn cứ theo quy định tại Điều 6 Nghị định 03/2021/NĐ-CP quy định như sau:
Giấy chứng nhận bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới là bằng chứng giao kết hợp đồng bảo hiểm với doanh nghiệp bảo hiểm. Mỗi xe cơ giới được cấp 1 Giấy chứng nhận bảo hiểm. Chủ xe cơ giới bị mất Giấy chứng nhận bảo hiểm phải có văn bản đề nghị doanh nghiệp bảo hiểm (nơi đã cấp Giấy chứng nhận bảo hiểm) cấp lại Giấy chứng nhận bảo hiểm. Khi mua bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, chủ xe cơ giới được doanh nghiệp bảo hiểm cấp Giấy chứng nhận bảo hiểm. Doanh nghiệp bảo hiểm chỉ cấp Giấy chứng nhận bảo hiểm cho chủ xe cơ giới khi chủ xe cơ giới đã đóng đủ phí bảo hiểm hoặc có thỏa thuận với chủ xe cơ giới về thời hạn thanh toán phí bảo hiểm theo quy định của Bộ Tài chính.
Giấy chứng nhận bảo hiểm do doanh nghiệp bảo hiểm chủ động thiết kế và phải bao gồm các nội dung sau đây:
- Tên, địa chỉ, số điện thoại (nếu có) của chủ xe cơ giới.
- Số biển kiểm soát hoặc số khung, số máy.
- Loại xe, trọng tải, số chỗ ngồi, mục đích sử dụng đối với xe ô tô.
- Tên, địa chỉ, số điện thoại đường dây nóng của doanh nghiệp bảo hiểm.
- Mức trách nhiệm bảo hiểm dân sự đối với bên thứ ba và hành khách.
- Trách nhiệm của chủ xe cơ giới, người lái xe khi xảy ra tai nạn.
- Thời hạn bảo hiểm, phí bảo hiểm, thời hạn thanh toán phí bảo hiểm.
- Ngày, tháng, năm cấp Giấy chứng nhận bảo hiểm.
- Mã số, mã vạch được đăng ký, quản lý và sử dụng theo quy định của Bộ Khoa học và Công nghệ để lưu trữ, chuyển tải và truy xuất thông tin định danh doanh nghiệp Bảo hiểm và nội dung cơ bản của Giấy chứng nhận Bảo hiểm.
Trường hợp cấp Giấy chứng nhận bảo hiểm điện tử, doanh nghiệp bảo hiểm phải tuân thủ các quy định của Luật giao dịch điện tử và các văn bản hướng dẫn thi hành; Giấy chứng nhận bảo hiểm điện tử phải tuân thủ đầy đủ các quy định hiện hành và phản ánh đầy đủ các nội dung quy định tại khoản 3 Điều này.
Quỹ bảo hiểm được chi trả những khoản nào?
Theo quy định tại Điều 5 Thông tư 04/2021/TT-BTC thì Quỹ bảo hiểm được chi những nội dung sau:
- Chi hỗ trợ nhân đạo: Mức chi không thấp hơn 25% tổng số tiền đóng vào Quỹ hàng năm và số dư Quỹ các năm trước (nếu có).
- Công tác đề phòng, hạn chế tổn thất, tai nạn giao thông đường bộ: Mức chi không vượt quá 20% tổng số tiền đóng vào Quỹ hàng năm và số dư Quỹ các năm trước (nếu có).
- Tổ chức tuyên truyền, giáo dục về an toàn giao thông đường bộ và chế độ bảo hiểm: Mức chi không vượt quá 15% tổng số tiền đóng vào Quỹ hàng năm và số dư Quỹ các năm trước (nếu có).
- Chi hỗ trợ cho lực lượng Công an trong công tác phối hợp với Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, Hội đồng quản lý Quỹ bảo hiểm xe cơ giới và các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ trong công tác đề phòng, hạn chế tổn thất, phòng chống gian lận trong kinh doanh bảo hiểm và thực hiện quy định về bảo hiểm của chủ xe cơ giới: Mức chi không vượt quá 10% tổng số tiền đóng vào Quỹ hàng năm.
- Hỗ trợ khen thưởng thành tích cho các tổ chức, cá nhân có thành tích trong việc thực hiện bảo hiểm của chủ xe cơ giới, đề phòng hạn chế tổn thất, tai nạn giao thông, bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ: Mức chi không vượt quá 5% tổng số tiền đóng vào Quỹ hàng năm.
- Chi hoàn thiện, duy trì hoạt động cơ sở dữ liệu về bảo hiểm: Mức chi không vượt quá 10% tổng số tiền đóng vào Quỹ hàng năm.
- Chi cho hoạt động của Chương trình bảo hiểm bắt buộc xe cơ giới ASEAN và hoạt động của Cơ quan quốc gia Việt Nam thực hiện Nghị định thư số 5 về Chương trình bảo hiểm bắt buộc xe cơ giới ASEAN: Mức chi không vượt quá 5% tổng số tiền đóng vào Quỹ hàng năm.
- Chi quản lý Quỹ bảo hiểm xe cơ giới: Mức chi không vượt quá 8% tổng số tiền đóng vào Quỹ hàng năm.
- Trong khoảng thời gian từ ngày 01 tháng 3 năm 2021 cho đến khi Thủ tướng Chính phủ công bố hết dịch COVID-19, Hội đồng Quản lý Quỹ có thể đề xuất Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam báo cáo Bộ Tài chính xem xét, cho phép sử dụng số dư Quỹ các năm trước cho các nội dung chi quy định tại khoản 4, khoản 5, khoản 6, khoản 7 và khoản 8 Điều này; mức chi của từng nội dung này không vượt quá tỷ lệ quy định tại khoản 4, khoản 5, khoản 6, khoản 7 và khoản 8 Điều này tương ứng với mức tối đa 1% theo quy định tại khoản 1 Điều 26 Nghị định số 03/2021/NĐ-CP.
Nếu có nhu cầu tư vấn pháp luật hãy liên hệ với Luật Thiên Thanh:
Hà Nội : Phòng 302, tầng 3, 142 Lê Duẩn, phường Khâm Thiên, quận Đống Đa, Hà Nội
Hồ Chí Minh: Phòng 6.16, Rivergate Resident 153-155 Bến Vân Đồn, Phường 6, Quận 4, TPHCM
Facebook: https://www.facebook.com/luatsuthuongmai
Hotline: 0903 217 988
Email: contact@luatthienthanh.vn
[alo-form=2]