Đại diện theo pháp luật của công ty hợp danh phải đáp ứng những điều kiện gì? Có phải tất cả các thành viên trong công ty hợp danh đều được chọn làm người đại diện theo pháp luật? Những vấn đề này sẽ được Luật Thiên Thanh làm rõ trong bài viết dưới đây.
Ai là đại diện theo pháp luật của công ty hợp danh?
Người đại diện theo pháp luật là người mà công ty đăng ký với vị trí là “người đại diện theo pháp luật” thể hiện trong Giấy phép đăng ký doanh nghiệp được pháp luật hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp để đại diện cho một cá nhân, tổ chức nào đó thực hiện các giao dịch hay hành vi dân sự, hành chính vì lợi ích của doanh nghiệp.
Theo quy định tại khoản 1, Điều 184 Luật Doanh nghiệp 2020 thì các thành viên hợp danh là người đại diện theo pháp luật của công ty và tổ chức điều hành hoạt động kinh doanh hằng ngày của công ty.
Mọi hạn chế đối với thành viên hợp danh trong thực hiện công việc kinh doanh hằng ngày của công ty chỉ có hiệu lực đối với bên thứ ba khi người đó được biết về hạn chế đó.
Bên cạnh đó, theo quy định tại khoản 4, Điều 184 Luật Doanh nghiệp 2020 thì Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc có nghĩa vụ đại diện cho công ty với tư cách người yêu cầu giải quyết việc dân sự, nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước Trọng tài, Tòa án; đại diện cho công ty thực hiện quyền, nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật;
Như vậy, qua các quy định nêu trên thì thành viên hợp danh là người đại diện theo pháp luật của công ty hợp danh. Còn đối với các vụ việc dân sự, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc sẽ là người đại diện cho công ty hợp danh.
Điều kiện trở thành đại diện pháp luật của công ty hợp danh?
Theo quy định tại khoản 1 và khoản 2, Điều 17 Luật Doanh nghiệp năm 2020 về quyền thành lập, góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp và quản lý doanh nghiệp:
- Tổ chức, cá nhân có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2020, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 17 Luật Doanh nghiệp 2020;
- Tổ chức, cá nhân sau đây không có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam:
- Cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân sử dụng tài sản nhà nước để thành lập doanh nghiệp kinh doanh thu lợi riêng cho cơ quan, đơn vị mình;
- Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức;
- Sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng trong các cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam; sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp, công nhân công an trong các cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân Việt Nam, trừ người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp hoặc quản lý tại doanh nghiệp nhà nước;
- Cán bộ lãnh đạo, quản lý nghiệp vụ trong doanh nghiệp nhà nước theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 88 của Luật Doanh nghiệp 2020, trừ người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp khác;
- Người chưa thành niên; người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; người bị mất năng lực hành vi dân sự; người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; tổ chức không có tư cách pháp nhân;
- Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bị tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù, đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc hoặc đang bị Tòa án cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định; các trường hợp khác theo quy định của Luật Phá sản, Luật Phòng, chống tham nhũng.
Trường hợp Cơ quan đăng ký kinh doanh có yêu cầu, người đăng ký thành lập doanh nghiệp phải nộp Phiếu lý lịch tư pháp cho Cơ quan đăng ký kinh doanh.
Tổ chức là pháp nhân thương mại bị cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định theo quy định của Bộ luật Hình sự.
Như vậy, nếu không thuộc quy định tại Khoản 2 Điều 17 Luật Doanh nghiệp 2020 thì hoàn toàn có thể đứng tên thành lập doanh nghiệp khác cũng như làm người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.
Trách nhiệm của người đại diện theo pháp luật của công ty hợp danh
Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp có trách nhiệm sau đây:
- Thực hiện quyền và nghĩa vụ được giao một cách trung thực, cẩn trọng, tốt nhất nhằm bảo đảm lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp;
- Trung thành với lợi ích của doanh nghiệp;
- Không lạm dụng địa vị, chức vụ và sử dụng thông tin, bí quyết, cơ hội kinh doanh, tài sản khác của doanh nghiệp để tư lợi hoặc phục vụ lợi ích của tổ chức, cá nhân khác;
- Thông báo kịp thời, đầy đủ, chính xác cho doanh nghiệp về doanh nghiệp mà mình, người có liên quan của mình làm chủ hoặc có cổ phần, phần vốn góp theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2020;
- Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp chịu trách nhiệm cá nhân đối với thiệt hại cho doanh nghiệp do vi phạm trách nhiệm quy định đã nêu trong bài viết.
Công ty hợp danh có được thuê giám đốc không?
Theo quy định tại khoản 1, Điều 182 Luật doanh nghiệp năm 2020, giám đốc trong công ty hợp danh là chức danh được hội đồng thành viên bầu. Trên thực tế, hầu hết các công ty hợp danh đều để chủ tịch hội đồng thành viên kiêm nhiệm luôn chức vụ giám đốc hoặc tổng giám đốc.
Tuy nhiên, khác với các loại hình doanh nghiệp khác, ở công ty hợp danh, các thành viên hợp danh đều có quyền điều hành hoạt động kinh doanh hằng ngày của công ty ngoài chủ tịch hội đồng thành viên hay giám đốc hoặc tổng giám đốc.
Theo đó, thành viên hợp danh dù không giữ chức vụ gì trong công ty cũng có quyền đại diện theo pháp luật và điều hành hoạt động kinh doanh của công ty, đồng thời chủ tịch hội đồng thành viên, giám đốc hoặc tổng giám đốc công ty hợp danh cũng có thể thực hiện quản lý, điều hành công ty với tư cách là thành viên hợp danh.
Trong trường hợp không kiêm nhiệm, giám đốc hoặc tổng giám đốc công ty hợp danh có các nhiệm vụ chính như sau:
- Quản lý và điều hành công việc kinh doanh hằng ngày của công ty với tư cách thành viên hợp danh;
- Triệu tập và tổ chức họp hội đồng thành viên;
- Phân công phối hợp với công việc kinh doanh giữa các thành viên hợp danh;
- Đại diện cho công ty với tư cách là bị đơn hoặc nguyên đơn trong các vụ kiện, tranh chấp thương mại hoặc các tranh chấp khác.
Theo quy định nêu trên, có thể thấy giám đốc công ty hợp danh bắt buộc phải là thành viên hợp danh của công ty hợp danh. Lý do là vì các thành viên hợp danh phải chịu trách nhiệm vô hạn với toàn bộ tài sản của mình đối với nghĩa vụ nợ của công ty. Hơn nữa, bản chất của công ty hợp danh là công ty đối nhân nên không thể có trường hợp thành viên góp vốn được trở thành giám đốc hoặc tham gia vào quản lý việc kinh doanh của công ty.
Nói cách khác, quyền lợi và nghĩa vụ của công ty hợp danh gắn chặt với từng cá nhân là thành viên. Nếu thuê người ngoài làm giám đốc công ty hợp danh, sẽ đi ngược lại với bản chất cơ bản của công ty hợp danh, thành lập dựa trên cơ sở tin cậy, tín nhiệm nhau giữa các thành viên. Do đó, chức danh quản lý của công ty phải do thành viên hợp danh nắm giữ để đảm bảo trách nhiệm và sự an toàn trong hoạt động của công ty hợp danh.
Tóm lại, công ty hợp danh là loại hình duy nhất không được thuê giám đốc không phải là thành viên hợp danh. Trong điều hành hoạt động kinh doanh của công ty, thành viên hợp danh phân công nhau đảm nhiệm các chức danh quản lý và kiểm soát công ty.
Dịch vụ Luật Thiên Thanh cung cấp tới khách hàng
– Tư vấn và phân tích cơ sở pháp lý, quy định pháp luật liên quan đến công ty;
– Tư vấn về các giấy tờ cần thiết để nộp hồ sơ, hướng dẫn viết đơn và hướng dẫn thủ tục liên quan đến công ty;
– Đại diện thực hiện khiếu nại, bảo vệ quyền lợi trước cơ quan có thẩm quyền.
Nếu có nhu cầu hãy liên hệ với Luật Thiên Thanh để nhận được tư vấn sớm nhất:
Hà Nội : Phòng 302, tầng 3, 142 Lê Duẩn, phường Khâm Thiên, quận Đống Đa, Hà Nội
Hồ Chí Minh: Phòng 6.16, Rivergate Resident 153-155 Bến Vân Đồn, Phường 6, Quận 4, TPHCM
Facebook: https://www.facebook.com/luatsuthuongmai
Hotline: 0903 217 988
Email: contact@luatthienthanh.vn
[alo-form=2]