Đạo nhái, đạo văn, đạo nhạc, đạo content,… đã trở thành những cụm từ quá quen thuộc hiện nay. Kể như mỗi lần bài hát nào đó mới ra mắt, trở thành hit dân tình lại có dịp soi xét xem liệu có đạo nhạc. Hay gần đây các nhà sáng tạo nội dung trên các nền tảng mạng xã hội cũng có lời qua tiếng lại tố nhau đánh cắp content,…Chắc hẳn không chỉ nghệ sĩ, nhà sáng tạo nội dung,… mà bất kì ai trong chúng ta đều không muốn trí tuệ, thành quả lao động của mình bị đánh cắp.
Tại sao phải đăng ký bản quyền tác giả cho tác phẩm của mình trong khi theo quy định của pháp luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam thì bản quyền tác giả được tự động bảo hộ. Nhiều người nghĩ rằng của mình làm ra thì việc gì phải sợ, và rồi đến khi cái thứ gọi là vốn của mình ấy có nguy cơ rời nhà thì mới tá hỏa đi bảo vệ. Vậy nên việc đăng ký bản quyền tác giả là việc làm hết sức quan trọng để bảo vệ tài sản trí tuệ của chủ sở hữu tác phẩm.
Để khách hàng hiểu rõ vai trò của bản quyền tác giả. Công ty Luật Hợp danh Thiên Thanh sẽ tư vấn vai trò quan trọng của bản quyền tác giả, dưới đây là bài viết tham khảo về lĩnh vực này.
- Quyền tác giả là gì?
Quyền tác giả là quyền của cá nhân, tổ chức đối với một tác phẩm văn học, khoa học, phần mềm, … do chính tác giả sáng tạo ra hoặc sở hữu. Các tác phẩm đó phải là sản phẩm trí óc do chính tác giả tạo ra và hoàn toàn không sao chép từ nguồn đã biết.
- Tại sao phải đăng ký quyền tác giả cho tác phẩm?
Ngày nay với sự phát triển của khoa học, công nghệ số đặc biệt là mạng xã hội chúng ta không còn xa lạ với khái niệm copyy, sao chép, đạo, nhái,… Nhu cầu đời sống xã hội tăng cao đã thúc đẩy nhiều tác phẩm ra đời. Nhưng chính sự phát triển này lại tạo điều kiện thuận lợi cho những cá nhân tổ chức có mục đích xấu dễ dàng đạo nhái, ăn cắp hơn. Đăng kí bảo hộ quyền tác giả chính là cách để bảo vệ tài sản thành quả lao động trí tuệ của các cá nhân, doanh nghiệp trong nền kinh tế cạnh tranh như hiện nay.
Trên thực tế để một tác phẩm sáng tạo và có giá trị ra đời tốn nhiều công sức đầu tư chất xám, thời gian và cả tài chính. Thành quả của mình được bảo hộ, công nhận là cách tạo động lực cho các nhà sáng tác tạo ra nhều hơn nữa những nội dung phục vụ đời sống văn hóa, phát triển kinh tế xã hội.
Một tác phẩm được tạo ra được đón nhận là một thành công của chủ sở hữu. Chủ sở hữu cũng được hưởng lợi ích về tinh thần, vật chất, và cả những lợi ích khác từ tác phẩm của mình.
Vì vậy:
Việc đăng ký bảo hộ quyền tác giả đồng nghĩa với việc tuyên bố quyền sở hữu hợp pháp đối với tác phẩm, tránh những hành vi với mục đích thu lợi nhuận bất hợp pháp khác. Nếu người khác muốn sử dụng hoặc sao chép thì phải có sự đồng ý của chủ sở hữu.
Với mỗi một tác phẩm ngoài giá trị tinh thần thì đi kèm đó là yếu tố thương mại đi kèm. Vì vậy, nếu một tác phẩm bị xâm phạm thì thật bất công với tác giả, chủ sở hữu tác phẩm đó khi họ là gười bỏ tâm huyết, công sức thời gian tiền bạc vào đó nhưng lại không được hưởng lợi, không được ghi nhận.
Hơn nữa, trên thực tế hiện nay, việc chứng minh quyền sở hữu đối với tác phẩm bảo hộ là rất khó khăn nhất là đối với những tác phẩm ra đời từ trước đó rất lâu. Vậy nên đây chính là một trong những nguyên nhân cho thấy sự cần thiết của việc xác lập quyền đối với tác phẩm của mình ngay khi ra đời. Vì thông qua việc đăng ký bản quyền, bạn sẽ được cấp Giấy Chứng nhận đăng ký đây chính là tài liệu quan trọng nhất để chứng minh bạn là tác giả của tác phẩm.
- Tác phẩm nào sẽ được bảo hộ quyền tác giả?
Theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ, đối tượng Sở hữu trí tuệ được chia thành quyền tác giả, quyền liên quan, sở hữu công nghiệp, quyền liên quan đến giống cây trồng. Tùy thuộc vào từng sản phẩm đăng ký để xác định thuộc đối tượng nào trong các đối tượng nêu trên. Đặc biệt, khách hàng cần lưu ý, không phải bất kỳ sản phẩm, loại hình tác phẩm nào cũng có thể được đăng ký quyền tác giả.
Theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ, các loại hình sau đây sẽ thuộc đối tượng đăng ký quyền tác giả:
– Tác phẩm văn học, khoa học, sách giáo khoa, giáo trình và tác phẩm khác
– Bài giảng, bài phát biểu và bài nói khác
– Chương trình máy tính, sưu tập dữ liệu
– Tác phẩm tạo hình, mỹ thuật ứng dụng
– Tác phẩm nhiếp ảnh
– Tác phẩm kiến trúc
– Bản họa đồ, sơ đồ, bản đồ, bản vẽ liên quan đến địa hình, công trình khoa học
– Tác phẩm báo chí
– Tác phẩm âm nhạc
– Tác phẩm sân khấu
– Tác phẩm điện ảnh và tác phẩm được tạo ra theo phương pháp tương tự
– Tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian.
Như vậy, đăng ký bản quyền tác giả là việc khi tác phẩm được hoàn thành, tác giả hoặc chủ sở hữu tác phẩm sẽ tiến hành thủ tục đăng ký với cơ quan chức năng để chứng minh mình là chủ sở hữu hợp pháp của tác phẩm và được độc quyền sử dụng tác phẩm tại Việt Nam.
- Quyền tác giả bao gồm những quyền gì?
Theo quy định của pháp luật, quyền tác giả đối với tác phẩm sẽ bao gồm 02 quyền là quyền tài sản và quyền nhân thân. Cụ thể:
Quyền nhân thân trong quyền tác giả bao gồm những quyền sau:
+ Đặt tên cho tác phẩm;
+ Đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm; được nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố, sử dụng;
+ Công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm;
+ Bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả.
– Quyền tài sản trong quyền tác giả sẽ bao gồm những quyền sau:
+ Làm tác phẩm phái sinh;
+ Biểu diễn tác phẩm trước công chúng;
+ Sao chép tác phẩm;
+ Phân phối, nhập khẩu bản gốc hoặc bản sao tác phẩm;
+ Truyền đạt tác phẩm đến công chúng bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào khác;
+ Cho thuê bản gốc hoặc bản sao tác phẩm điện ảnh, chương trình máy tính.
- Lợi ích của việc đăng ký bản quyền tác giả:
Trong trường hợp có tranh chấp xảy ra, Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả này là bằng chứng tốt nhất chứng minh quyền sở hữu của tác giả đối với tác phẩm.
Giấy chứng nhận đăng ký bản quyền cũng là một loại giấy tờ chứng minh quyền sở hữu tác phẩm, được sử dụng khi định giá tài sản của công ty trong trường hợp cổ phần hóa, mua bán, sáp nhập doanh nghiệp.
Cuối cùng, việc đăng ký còn giúp cho chủ sở hữu tiến hành một số thủ tục hành chính với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Với những lợi ích nêu trên, tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả nên tiến hành xin giấy chứng nhận bản quyền tác giả tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền để tác phẩm của mình được bảo hộ một cách tốt nhất, chống lại các hành vi xâm phạm.
HỒ SƠ CẦN CHUẨN BỊ BAO GỒM:
+ 02 tờ khai đăng ký quyền tác giả.
+ 02 bản sao tác phẩm đăng ký quyền tác giả hoặc hai bản sao bản định hình đối tượng đăng ký quyền liên quan.
+ Giấy ủy quyền, nếu người nộp đơn là người được ủy quyền.
+ Tài liệu chứng minh quyền nộp đơn, nếu người nộp đơn thụ hưởng quyền đó của người khác do thừa kế, chuyển giao, kế thừa.
+ Văn bản đồng ý của các đồng tác giả, nếu tác phẩm có đồng tác giả.
+ Văn bản đồng ý của các đồng chủ sở hữu, nếu quyền tác giả, quyền liên quan thuộc sở hữu chung.
THỜI GIAN HOÀN THÀNH DỊCH VỤ LÀ BAO LÂU?
Thời gian 15 ngày từ thời điểm bạn nộp đơn đăng ký quyền tác giả cho đến khi nhận được giấy chứng nhận.
Tuy nhiên, trong thực tế thời gian này có thể thay đổi phụ thuộc vào một vài yếu tố khách quan khác.