Gạo ST25, loại gạo ngon nhất thế giới năm 2019 của Việt Nam nhưng lại liên tiếp bị đăng ký thương hiệu tại Mỹ và Australia dấy lên làn sóng dư luận. Là niềm tự hào của Việt Nam thế nhưng chính chúng ta lại chưa trân trọng, bảo vệ dẫn tới việc trí tuệ của mình bị nhảy khẩu sang nhà một cách dễ dàng.
Với sự phát triển kinh tế – xã hội, nhất là trong xu thế hội nhập sâu và toàn diện tạo điều kiện thúc đẩy sự sáng tạo ra đời của những phát minh mới nhưng bên cạnh đó cũng đặt ra những thách thức cho các doanh nghiệp. Công nghệ kỹ thuật nâng cao, công nghệ số phát triển nhanh chóng mặt tạo điều kiện thuận lợi cho việc hàng giả, hàng nhái ăn theo xuất hiện trên thị trường với tốc độ nhanh hơn. Vì vậy việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của một doanh nghiệp.
Nhãn hiệu được biết đến như một phần chính tạo nên thương hiệu của doanh nghiệp hay của sản phẩm. Mặc dù đăng ký quyền sở hữu trí tuệ đã được quy định rất rõ ràng trong luật, tuy nhiên tình trạng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam vẫn diễn ra ngày càng nhiều, đặc biệt là tình trạng vi phạm làm hàng giả hàng nhái. Đăng ký bảo hộ nhãn hiệu chính là cơ sở để các doanh nghiệp có thể bảo vệ, nâng cao giá trị thương hiệu hàng hóa mà mình tạo dựng được.
– Một số nghiên cứu cho thấy tài sản hữu hình của doanh nghiệp chỉ chiếm khoảng 1/4 tổng giá trị tài sản của doanh nghiệp, giá trị tài sản vô hình (giá trị thương hiệu) của doanh nghiệp chiếm đến 3/4. Thế nên việc nâng cao ý thức bảo vệ, xác lập quyền sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm, hàng hóa của mình là việc lầm hết sức qua trọng, cần thiết đối với sự phát triển của doanh nghiệp. Nhất là trong thời buổi hội nhập, các doanh nghiệp cạnh tranh nhau gắt gao.
– Bằng cách đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp, doanh nghiệp trong nước có lợi thế xuất phát trước các đối thủ cạnh tranh trong hoạt động sản xuất, kinh doanh trong suốt thời hạn bảo hộ. Lợi thế độc quyền một mặt ngăn không cho các đối thủ cạnh tranh sử dụng, khai thác đối tượng đăng ký, mặt khác cho phép doanh nghiệp thu lợi thông qua sự độc chiếm thị trường. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, chỉ những sản phẩm, dịch vụ dựa trên những sáng chế mạnh hoặc có kiểu dáng bắt mắt, được thị trường ưa thích thì mới có khả năng đem lại lợi thế thương mại và lợi nhuận tài chính cho chủ sở hữu.
– Để bảo vệ quyền của mình một cách hiệu quả nhất, trước hết doanh nghiệp cần phải thực hiện quyền tự bảo vệ bằng cách áp dụng các biện pháp công nghệ nhằm ngăn ngừa hành vi xâm phạm. Hiện nay đã có rất nhiều doanh nghiệp sử dụng biện pháp này bằng nhiều cách như in tem chống giả, sử dụng bao bì được in theo công nghệ hiện đại hay sử dụng các biện pháp kĩ thuật nhằm đánh dấu, nhận biết, phân biệt sản phẩm để bảo hộ, đưa các thông tin về quyền sở hữu trí tuệ đã được bảo hộ lên sản phẩm nhằm thông báo sản phẩm, dịch vụ đó là đối tượng được bảo hộ sở hữu trí tuệ và khuyến cáo người khác không được xâm phạm.
– Có thể thấy rằng, để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của mình một cách tốt nhất, doanh nghiệp nên đi đăng ký bảo hộ các đối tượng quyền sở hữu trí tuệ mà mình đang sử dụng hoặc sẽ sử dụng, xây dựng và hoàn thiện chiến lược về sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng nên tổ chức hệ thống thông tin dữ liệu và tài liệu về sở hữu trí tuệ để có được những thông tin về các đối thủ cạnh tranh, đồng thời tránh khỏi việc xâm phạm quyền của người khác.