Ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng khi đời sống hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được thì vợ hoặc chồng có thể yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn. Tuy nhiên, trong thực tế vẫn xảy ra trường hợp ly hôn giả tạo nhằm mục đích khác chứ không phải do cuộc hôn nhân trầm trọng và không thể kéo dài.
1. Ly hôn là gì? Ly hôn giả tạo là gì?
– Theo quy định tại khoản 14 Điều 3 Luật hôn nhân và gia đình 2014, ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án.
Ly hôn đúng pháp luật xuất phát từ việc hai bên cảm thấy không còn tình cảm để có thể tiếp tục chung sống hoặc một trong hai bên có hành vi bạo lực gia đình; vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.
– Bên cạnh đó, khoản 15 Điều 3 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định ly hôn giả tạo là việc lợi dụng ly hôn để trốn tránh nghĩa vụ tài sản, vi phạm chính sách, pháp luật về dân số hoặc để đạt được mục đích khác mà không nhằm mục đích chấm dứt hôn nhân.
Ví dụ: vợ chồng ly hôn giả tạo nhằm giao hết tài sản cho một bên và trốn tránh trách nhiệm trả nợ.
Ông M. và bà L. (ngụ TP.Biên Hòa) thống nhất ra tòa ly hôn (thực chất là ly hôn giả nhằm trốn tránh việc trả nợ khi ông M. về quê ở tỉnh Thanh Hóa làm ăn). Theo đó, ông M. thỏa thuận giao toàn bộ nhà cửa lại cho bà M. và 2 con gái. Tuy nhiên, ông M. về quê lại kết hôn với một phụ nữ khác. Khi bà L. về quê chung sống cùng chồng thì bị người phụ nữ này đánh ghen, đòi thưa kiện bà L. về tội ngoại tình, phá vỡ hạnh phúc gia đình người khác.
2. Xác định việc ly hôn giả tạo trong thực tế
Một thẩm phán của Tòa án nhân dân TP.Biên Hòa cho hay, việc ngăn chặn ly hôn giả tạo hoặc chưa đủ điều kiện ly hôn của tòa chỉ thực hiện được trong quá trình giải quyết ly hôn. Trong thời gian thụ lý giải quyết ly hôn, tòa án thường không chấp nhận cho ly hôn, trả đơn yêu cầu tòa án xét xử ly hôn khi thấy khi cả hai không có chứng cứ làm sáng tỏ việc ly hôn xuất phát từ lý do mâu thuẫn hôn nhân tới mức trầm trọng; việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được…
“Tuy nhiên trên thực tế, tòa rất khó xác định và chứng minh việc vợ chồng đồng thuận ly hôn là ly hôn giả tạo, một khi cả hai đã bàn bạc, thống nhất nhau sẽ tạo ra những chứng cứ rất thuyết phục và hợp lý” – vị thẩm phán này cho biết.
Theo một số luật sư, việc xử phạt các trường hợp ly hôn giả tạo cũng không dễ vì khó tìm căn cứ chứng minh đó là ly hôn giả. Điều quan trọng là các cặp vợ chồng cần tìm hiểu kỹ trước khi quyết định ly hôn để không phải rơi vào cảnh ly hôn giả nhưng những hệ lụy phải gánh chịu là thật.
2. Hậu quả của ly hôn giả tạo
– Nếu thật sự vợ chồng đã lợi dụng việc ly hôn để trốn tránh nghĩa vụ thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền có thể lên đến 20 triệu đồng. Cụ thể, tại khoản 2 Điều 59 Nghị định 82/2020/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng việc ly hôn để trốn tránh nghĩa vụ tài sản, vi phạm chính sách, pháp luật về dân số hoặc để đạt được mục đích khác mà không nhằm mục đích chấm dứt hôn nhân hoặc lừa dối ly hôn.
“Điều 59. Hành vi vi phạm quy định về kết hôn, ly hôn và vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng
…
2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
đ) Lợi dụng việc ly hôn để trốn tránh nghĩa vụ tài sản, vi phạm chính sách, pháp luật về dân số hoặc để đạt được mục đích khác mà không nhằm mục đích chấm dứt hôn nhân.”
3. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại các điểm d và đ khoản 2 Điều này.
Vì vậy, khi phát hiện có hành vi ly hôn giả tạo, có thể tố cáo hành vi trái pháp luật này. Ngoài bị xử phạt hành chính tới 20 triệu đồng thì số lợi bất hợp pháp vợ chồng có được do thực hiện hành vi ly hôn giả tạo cũng bị buộc phải nộp lại theo quy định.
– Dù là ly hôn giả tạo nhưng nếu đã được tòa án chấp nhận thì hậu quả pháp lý giống như ly hôn thật, tức là sẽ chấm dứt quan hệ nhân thân và quan hệ tài sản giữa vợ chồng. Pháp luật không thể bảo vệ quyền làm chồng hay làm vợ của những người đã ly hôn, bất kể nội tình sự việc là giả hay thật. Do đó, các cặp vợ chồng không nên vì những toan tính thực dụng mà quyết định ly hôn giả để rồi phải trả giá đắt về hạnh phúc vợ chồng.