Trong cuộc sống, có nhiều trường hợp cha, mẹ, con thất lạc nhau nhiều năm. Sau khi tìm thấy muốn nhận lại nhau nhưng lại không biết rõ về trình tự, thủ tục để nhận lại cha, mẹ, con đặc biệt là trường hợp có liên quan đến yếu tố nước ngoài. Vậy người nước ngoài liệu có được đăng ký nhận con theo quy định pháp luật Việt Nam hay không? Trình tự, thủ tục đăng ký nhận con có yếu tố nước ngoài khác gì với không có yếu nước ngoài? Cùng Luật Thiên Thanh tìm hiểu rõ vấn đề dưới bài viết này!
1. Đối tượng được đăng ký nhận con có yếu tố nước ngoài
Điều 128, Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014:
- Cơ quan đăng ký hộ tịch Việt Nam có thẩm quyền giải quyết việc xác định cha, mẹ, con mà không có tranh chấp giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài, giữa công dân Việt Nam với nhau mà ít nhất một bên định cư ở nước ngoài, giữa người nước ngoài với nhau mà ít nhất một bên thường trú tại Việt Nam theo quy định của pháp luật về hộ tịch.
- Tòa án có thẩm quyền của Việt Nam giải quyết việc xác định cha, mẹ, con có yếu tố nước ngoài đối với trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 88, Điều 89, Điều 90, khoản 1, khoản 5 Điều 97, khoản 3, khoản 5 Điều 98 và Điều 99 của Luật này; các trường hợp khác có tranh chấp.
- Như vậy, đối tượng đăng ký nhận con có yếu tố nước ngoài được thực hiện khi đáp ứng một trong các điều kiện như sau: “Là công dân Việt Nam với người nước ngoài hoặc công dân Việt Nam với nhau mà ít nhất một bên định cư ở nước ngoài hoặc Người nước ngoài với nhau mà ít nhất một bên thường trú tại Việt Nam”.
2. Nơi đăng ký nhận con có yếu tố nước ngoài
Điều 43, Luật Hộ tịch năm 2014 thẩm quyền đăng ký nhận cha, mẹ, con:
Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi cư trú của người được nhận là cha, mẹ, con thực hiện đăng ký nhận cha, mẹ, con giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài; giữa công dân Việt Nam cư trú ở trong nước với công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài; giữa công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài với nhau; giữa công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài với công dân Việt Nam hoặc với người nước ngoài; giữa người nước ngoài với nhau mà một hoặc cả hai bên thường trú tại Việt Nam.
- Ủy ban nhân dân cấp huyện sẽ là nơi tiếp nhận đăng ký nhận con có yếu tố nước ngoài.
3. Trình tự, thủ tục thực hiện
Điều 44, Luật Hộ tịch năm 2014 quy định thủ tục đăng ký nhận cha, mẹ, con:
– Người yêu cầu đăng ký nhận con nộp tờ khai theo mẫu quy định và giấy tờ, đồ vật hoặc các chứng cứ khác để chứng minh quan hệ cha con hoặc mẹ con cho cơ quan đăng ký hộ tịch.
* Trường hợp đăng ký nhận cha, mẹ, con giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài hoặc giữa người nước ngoài với nhau thì người nước ngoài phải nộp thêm bản sao hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay hộ chiếu để chứng minh về nhân thân.
– Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận đủ giấy tờ theo quy định tại khoản 1 Điều này, công chức làm công tác hộ tịch xác minh, niêm yết việc nhận cha, mẹ, con tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp huyện trong thời gian 07 ngày liên tục, đồng thời gửi văn bản đề nghị Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thường trú của người được nhận là cha, mẹ, con niêm yết trong thời gian 07 ngày liên tục tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã.
– Phòng Tư pháp báo cáo và đề xuất Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định việc đăng ký nhận cha, mẹ, con, nếu thấy đủ điều kiện thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện giải quyết.
– Khi đăng ký nhận cha, mẹ, con các bên phải có mặt; công chức làm công tác hộ tịch ghi vào Sổ hộ tịch, cùng các bên ký vào Sổ hộ tịch. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện cấp trích lục cho các bên.
4. Hồ sơ cần chuẩn bị
Tại khoản 1 Điều 2 Nghị định 123/2015/NĐ-CP thì hồ sơ cần chuẩn bị bao gồm:
– Tờ khai theo mẫu quy định;
– Giấy tờ, đồ vật hoặc các chứng cứ khác để chứng minh quan hệ cha con hoặc mẹ con gồm:
+ Văn bản của cơ quan y tế, cơ quan giám định hoặc cơ quan khác có thẩm quyền ở trong nước hoặc nước ngoài xác nhận quan hệ cha con, quan hệ mẹ con.
+ Trường hợp không có văn bản quy định trên thì phải có thư từ, phim ảnh, băng, đĩa, đồ dùng, vật dụng khác chứng minh mối quan hệ cha con, quan hệ mẹ con và văn bản cam đoan của cha, mẹ về việc trẻ em là con chung của hai người, có ít nhất hai người thân thích của cha, mẹ làm chứng.
– Bản sao hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay hộ chiếu để chứng minh về nhân thân đối với người nước ngoài.
– Hồ sơ đăng ký hộ tịch chỉ cần lập một (01) bộ.
⊕ Trên đây là một số thông tin, trình tự, thủ tục đăng ký nhận cha mẹ, con có yếu tố nước ngoài theo quy định của pháp luật. Luật Thiên Thanh với nhiều năm kinh nghiệm cùng với đội ngũ nhân viên ưu tú giải đáp mọi thắc mắc. Hãy liên hệ với chúng tôi ngay:
Hà Nội : Phòng 302, tầng 3, 142 Lê Duẩn, phường Khâm Thiên, quận Đống Đa, Hà Nội
Hồ Chí Minh: Phòng 6.16, Rivergate Resident 153-155 Bến Vân Đồn, Phường 6, Quận 4, TPHCM
Hotline: 0903 217 988
Email: [email protected]