Cụm từ “Tảo hôn” không còn quá xa lạ với mọi người, việc tảo hôn thường diễn ra ở các vùng núi cao theo phong tục tập quán. Hiện nay, việc tảo hôn đã hạn chế hơn so với trước đây nhưng vẫn diễn ra ở một số nơi. Vậy pháp luật quy định như thế nào về tảo hôn?
Tham khảo bài viết dưới đây của Luật Thiên Thanh!
Tảo hôn là gì?
Khoản 8, Điều 3, điểm a, Khoản 1, Điều 8, Luật Hôn nhân và gia đình 2014 thì:
Tảo hôn là việc lấy vợ, lấy chồng khi một bên hoặc cả hai bên chưa đủ tuổi kết hôn theo quy định.
Như vậy, tảo hôn là hành vi thuộc một trong 03 trường hợp sau:
– Nam lấy vợ khi chưa đủ 20 tuổi.
– Nữ lấy chồng khi chưa đủ 18 tuổi.
– Nam chưa đủ 20 tuổi và nữ chưa đủ 18 tuổi.
Tảo hôn sẽ bị xử phạt như thế nào?
- Về hành chính
Điều 58 Nghị định 82/2020/NĐ-CP quy định xử phạt đối với hành vi tảo hôn, tổ chức tảo hôn như sau:
– Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi tổ chức lấy vợ, lấy chồng cho người chưa đủ tuổi kết hôn.
– Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi duy trì quan hệ vợ chồng trái pháp luật với người chưa đủ tuổi kết hôn mặc dù đã có bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án.
- Về hình sự
Người có hành vi tổ chức tảo hôn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội tổ chức tảo hôn được quy định tại Điều 183 Bộ luật Hình sự, cụ thể:
Người nào tổ chức việc lấy vợ, lấy chồng cho những người chưa đến tuổi kết hôn, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm.
Vậy trong tất cả mọi trường hợp tảo hôn đều không được công nhận vợ chồng?
Theo khoản 2 Điều 11 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, các trường hợp kết hợp trái với quy định pháp luật, trong đó có tảo hôn vẫn được công nhận là vợ chồng khi đáp ứng đủ các điều kiện sau:
– Tại thời điểm Tòa án giải quyết yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật mà cả hai bên kết hôn đã có đủ các điều kiện kết hôn theo quy định tại Điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình 2014;
– Hai bên yêu cầu công nhận quan hệ hôn nhân.
Khi đó, quan hệ hôn nhân được xác lập từ thời điểm các bên đủ điều kiện kết hôn theo quy định của pháp luật.
Ai sẽ là người có quyền yêu cầu Tòa án hủy kết hôn trái pháp luật do tảo hôn?
Tại khoản 2 Điều 10 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định cá nhân, cơ quan, tổ chức sau đây, theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, có quyền yêu cầu Tòa án hủy kết hôn trái pháp luật do tảo hôn:
– Cha, mẹ, người giám hộ hoặc người đại diện theo pháp luật khác của người tảo hôn;
– Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình;
– Cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em;
– Hội liên hiệp phụ nữ.
Việc tảo hôn có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống xã hội. Nhiều trường hợp tảo hôn khi bị gia đình ép buộc hoặc còn quá nhỏ để đi đến kết hôn, không phải xuất phát từ sự hạnh phúc, sự mong muốn của hai bên. Xây dựng tổ ấm không dựa trên sự tự nguyện và hạnh phúc thì sẽ không lâu dài, thậm chí xâm phạm đến quyền của người bị tảo hôn. Vậy nên, phải hạn chế tình trạng tảo hôn đặc biệt là trong giai đoạn xã hội ngày càng phát triển và từng bước hội nhập quốc tế.
Nếu có nhu cầu hãy liên hệ với Luật Thiên Thanh để nhận được tư vấn sớm nhất:
Hà Nội : Phòng 302, tầng 3, 142 Lê Duẩn, phường Khâm Thiên, quận Đống Đa, Hà Nội
Hồ Chí Minh: Phòng 6.16, Rivergate Resident 153-155 Bến Vân Đồn, Phường 6, Quận 4, TPHCM
Hotline: 0903 217 988
Email: [email protected]