Hiện nay đang có rất nhiều người làm trong lực lượng công an nhân dân thắc mắc về các quy định được hưởng chế độ thai sản không biết mình được hưởng những khoản trợ cấp gì, được nghỉ chế độ là bao nhiêu ngày. Để giải đáp thắc mắc về chế độ thai sản, Luật Thiên Thanh sẽ phân tích chế độ thai sản trong công an nhân dân theo quy định của pháp luật hiện hành.
Điều kiện hưởng chế độ thai sản trong công an nhân dân
Cũng như những người lao động khác, người làm trong lực lượng công an nhân dân nếu đáp ứng đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản tại Điều 31 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì sẽ được hưởng chế độ thai sản, cụ thể:
Người lao động được hưởng chế độ thai sản khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Lao động nữ mang thai;
- Lao động nữ sinh con;
- Lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ;
- Người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi;
- Lao động nữ đặt vòng tránh thai, người lao động thực hiện biện pháp triệt sản;
- Lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội có vợ sinh con.
Như vậy, nữ làm trong công an nhân dân thuộc một trong các trường hợp trên đóng bảo hiểm từ đủ 6 tháng trong 12 tháng trước khi sinh thì được hưởng chế độ bảo hiểm thai sản. Còn lao động nam có vợ mang thai và sinh con thì phải đáp ứng điều kiện đang đóng bảo hiểm xã hội thì được hưởng chế độ thai sản dành cho nam.
Thời gian và mức hưởng chế độ thai sản trong công an nhân dân
Những người lao động phục vụ trong lực lượng công an nhân dân có thời gian và mức hưởng chế độ thai sản giống với những người lao động khác.
Đối với lao động nữ trong công an nhân dân
1. Chế độ khám thai
Trong thời gian mang thai, lao động nữ được nghỉ việc để đi khám thai 05 lần, mỗi lần 01 ngày; trường hợp ở xa cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc người mang thai có bệnh lý hoặc thai không bình thường thì được nghỉ 02 ngày cho mỗi lẫn khám thai. Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ khi khám thai tính theo ngày làm việc không kể ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần.
Mức hưởng = 100% mức bình quân tiền lương tháng bảo hiểm xã hội của 06 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản : 24 ngày x số ngày nghỉ khám thai
2. Sẩy thai, nạo, hút thai hoặc thai chết lưu, phá thai bệnh lý
Khi sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý thì lao động nữ được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo chỉ định của cơ sở khám, chữa bệnh có thẩm quyền. Thời gian nghỉ việc tối đa được quy định như sau:
- 10 ngày nếu thai dưới 05 tuần tuổi;
- 20 ngày nếu thai từ 05 tuần tuổi đến dưới 13 tuần tuổi;
- 40 ngày nếu thai từ 13 tuần tuổi đến dưới 25 tuần tuổi;
- 50 ngày nếu thai từ 25 tuần tuổi trở lên.
Thời gian nghỉ hưởng chế độ theo quy định này tính cả ngày nghỉ lễ, Tết, nghỉ hàng tuần.
Mức hưởng = {Mức bình quân tiền lương đóng bảo hiểm xã hội 6 tháng liền kề trước khi nghỉ việc/ 30 ngày} x 100% x số ngày nghỉ.
3. Khi nhận nuôi con nuôi
Người lao động nhận nuôi con nuôi dưới bốn tháng tuổi thì được nghỉ việc hưởng chế độ cho đến khi con đủ bốn tháng tuổi.
Mức hưởng:
Được nhận trợ cấp một lần bằng 2 lần mức lương cơ sở (lương cơ sở hiện nay bằng 1.490.000 đồng), tương đương 2.980.000 đồng. Nếu cả 2 cha mẹ cùng tham gia bảo hiểm xã hội thì chỉ 1 trong 2 người được trợ cấp chế độ thai sản.
Mức hưởng = Lương bình quân 6 tháng cuối trước khi nghỉ việc x số tháng nghỉ.
Trường hợp có ngày lẻ thì số ngày lẻ được hưởng = Lương bình quân 6 tháng cuối trước khi nghỉ việc/ 30 ngày x số ngày bị lẻ
4. Khi thực hiện biện pháp tránh thai
Người lao động khi tiến hành các biện pháp tránh thai, triệt sản sẽ được nghỉ hưởng chế độ dưỡng sức như sau:
5. Trường hợp người lao động tiến hành đặt vòng tránh thai: nghỉ 7 ngày;
6. Trường hợp người lao động tiến hành biện pháp triệt sản: nghỉ 15 ngày.
Thời gian nghỉ tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hàng tuần.
Mức hưởng = (Mức bình quân tiền lương đóng bảo hiểm xã hội 6 tháng liền kề trước khi nghỉ việc/ 30 ngày) x 100% x số ngày nghỉ.
7. Chế độ thai sản trong thời kỳ sinh con
Thời gian nghỉ: Nghỉ hưởng chế độ sau khi sinh con là 6 tháng. Trường hợp sinh đôi trở lên, từ con thứ hai trở đi, cứ mỗi con người mẹ được nghỉ thêm 01 tháng tối đa là được nghỉ 7 tháng. Thời gian nghỉ hưởng trước khi sinh tối đa không quá 2 tháng.
Mức trợ cấp một tháng = 100% mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng bảo hiểm xã hội của 6 tháng liền kề trước khi nghỉ việc.
Còn được trợ cấp 1 lần khi sinh con: trợ cấp một lần cho mỗi con bằng 02 lần mức lương cơ sở tại tháng lao động nữ sinh con. Mức trợ cấp 1 lần cho mỗi con là 2.980.000 đồng (mức lương cơ sở tại thời điểm hiện tại là 1.490.000 đồng).
Lưu ý: Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản được tính là thời gian đóng bảo hiểm xã hội, thời gian này người lao động và người sử dụng lao động không phải đóng bảo hiểm xã hội
8. Đối với lao động nữ sau khi sinh
Dưỡng sức và phục hồi sức khỏe sau sinh phục hồi sức khỏe từ 05 ngày đến 10 ngày. Ngày nghỉ thì bao gồm cả ngày lễ tết cụ thể:
Tối đa 5 ngày với các trường hợp khác, tối đa 7 ngày với lao động nữ sinh con phải phẫu thuật, nếu lao động nữ sinh con thứ 2 thì được nghỉ tối đa 10 ngày làm việc.
Mức hưởng chế độ dưỡng sức sau khi sinh là 30% mức lương cơ sở tại thời điểm người lao động nghỉ hưởng chế độ dưỡng sức sau khi sinh cho mỗi ngày nghỉ (khoản 3 Điều 41 Luật Bảo hiểm xã hội 2014).
9. Chế độ thai sản đối với người lao động nữ sinh mà thuộc trường hợp thai chết lưu:
Trong thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản trước khi sinh mà thai chết lưu, nếu đủ điều kiện (đóng 6 tháng) thì ngoài chế độ thai sản đối với thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản trước khi sinh, lao động nữ được nghỉ việc hưởng bảo hiểm thai sản từ thời điểm thai chết lưu.
Lao động nữ nghỉ hưởng chế độ thai sản trước khi sinh, sau khi sinh con mà con bị chết, nếu đủ điều kiện (đóng 6 tháng) thì ngoài chế độ bảo hiểm thai sản đối với thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản trước khi sinh, còn hưởng chế độ thai sản do con chết. (con dưới 02 tháng tuổi bị chết thì mẹ được nghỉ việc 04 tháng tính từ ngày sinh con; nếu con từ 02 tháng tuổi trở lên bị chết thì mẹ được nghỉ việc 02 tháng tính từ ngày con chết, nhưng thời gian nghỉ việc hưởng không vượt quá 6 tháng).
Đối với lao động nam trong công an nhân dân
Theo quy định tại điểm a, Khoản 2, Điều 34 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội khi vợ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản khi vợ sinh con. Cụ thể như sau:
- Vợ sinh thường thì chồng được nghỉ 05 ngày làm việc;
- Vợ sinh con phải phẫu thuật, sinh con dưới 32 tuần tuổi thì chồng được nghỉ 07 ngày làm việc;
- Vợ sinh đôi thì được nghỉ 10 ngày làm việc, từ sinh ba trở lên thì cứ thêm mỗi con được nghỉ thêm 03 ngày làm việc (ví dụ vợ sinh 4 thì chồng được nghỉ 16 ngày làm việc).
Tuy nhiên, để được nghỉ phép theo chế độ thai sản thì người lao động nam phải làm thủ tục xin nghỉ phép trong khoảng thời gian 30 ngày kể từ ngày vợ sinh con, nếu vượt quá thời hạn này thì không được giải quyết chế độ thai sản theo quy định tại Đoạn 2 Khoản 2 Điều 34 Luật Bảo hiểm xã hội 2014.
Ngoài ra, nếu chồng có tham gia bảo hiểm xã hội đủ 6 tháng trong vòng 12 tháng trước khi vợ sinh con mà vợ không tham gia bảo hiểm xã hội thì được trợ cấp một lần bằng hai tháng lương cơ sở do nhà nước quy định theo quy định tại Điều 38 Luật bảo hiểm xã hội 2014 và Căn cứ Khoản 2 Điều 3 Nghị định 38/2019/NĐ-CP quy định về mức lương cơ sở đối với cán bộ công chức, viên chức và lực lượng vũ trang thì từ ngày 01/07/2019 mức lương cơ sở là 1.490.000 đồng.
Thủ tục hưởng chế độ thai sản trong công an nhân dân
1. Chuẩn bị hồ sơ
Để hưởng chế độ thai sản thì người phục vụ trong lực lượng công an nhân dân cần chuẩn bị hồ sơ theo các chế độ được hưởng.
Khám thai, sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu, phá thai bệnh lý hoặc thực hiện biện pháp tránh thai:
- Trường hợp điều trị nội trú: Bản sao giấy ra viện và giấy chuyển tuyến hoặc giấy chuyển viện (nếu có);
- Trường hợp điều trị ngoại trú: Bản chính giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội hoặc bản sao giấy ra viện có chỉ định của y, bác sĩ điều trị cho nghỉ thêm sau thời gian điều trị nội trú.
Khi người lao động là người phục vụ trong lực lượng công an nhân dân công sinh con cần phải chuẩn bị các giấy tờ sau:
- Trường hợp thông thường: Bản sao giấy khai sinh; Trích lục khai sinh hoặc giấy chứng sinh của con;
- Trường hợp con chết sau sinh: Bản sao giấy khai sinh; Trích lục khai sinh hoặc giấy chứng sinh; Bản sao giấy chứng tử, trích lục khai tử hoặc giấy báo tử của con. Nếu con chết ngay sau khi sinh mà chưa có giấy chứng sinh thì thay bằng trích sao hoặc tóm tắt hồ sơ bệnh án hoặc giấy ra viện của người mẹ thể hiện con chết;
- Trường hợp người mẹ chết sau khi sinh con: Bổ sung thêm bản sao giấy chứng tử hoặc trích lục khai tử của người mẹ;
- Trường hợp người mẹ sau sinh hoặc sau khi nhận con không đủ sức khỏe để chăm con: Bổ sung thêm bản chính biên bản giám định y khoa;
- Trường hợp khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai: Bản sao giấy ra viện hoặc tóm tắt hồ sơ bệnh án nếu điều trị nội trú; Bản chính giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội nếu điều trị ngoại trú; Bản chính biên bản giám định y khoa nếu phải giám định y khoa.
Trường hợp mang thai hộ: Bổ sung bản sao bản thỏa thuận về mang thai hộ vì mục đích nhân đạo; văn bản xác nhận thời điểm giao trẻ.
Chế độ thai sản trong công an nhân dân theo quy định.
Nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi: Bản sao giấy chứng nhận nuôi con nuôi.
2. Nộp hồ sơ
Đối với người đang đóng bảo hiểm xã hội: người lao động tiến hành nộp hồ sơ cho đơn vị sử dụng lao động trong thời hạn không quá 45 ngày kể từ ngày trở lại làm việc
Đối với người đang bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội: nộp hồ sơ và xuất trình sổ bảo hiểm xã hội cho cơ quan bảo hiểm xã hội tỉnh/huyện nơi cư trú.
3. Cơ quan bảo hiểm xã hội tiếp nhận và giải quyết hồ sơ
Cơ quan bảo hiểm xã hội: nhận hồ sơ: tiếp nhận hồ sơ của người lao động, đơn vị sử dụng lao động để xét duyệt và thực hiện chi trả trợ cấp bảo hiểm thai sản
Nhận kết quả bằng một trong các hình thức: Qua giao dịch điện tử (kèm hồ sơ giấy hoặc không kèm hồ sơ giấy). Qua dịch vụ bưu chính công ích. Trực tiếp tại cơ quan bảo hiểm xã hội trong trường hợp chưa nhận tại đơn vị sử dụng lao động mà đơn vị đã chuyển lại cho cơ quan bảo hiểm xã hội và trong trường hợp thôi việc trước khi sinh con, nhận con, nhận nuôi con nuôi mà không có tài khoản ngân hàng mà người lao động cung cấp.
Nếu người lao động không trực tiếp đến nhận trợ cấp bằng tiền mặt thì lập giấy ủy quyền (Mẫu 13-HSB) hoặc hợp đồng ủy quyền.
Nếu có nhu cầu tư vấn pháp luật hãy liên hệ với Luật Thiên Thanh:
Hà Nội : Phòng 302, tầng 3, 142 Lê Duẩn, phường Khâm Thiên, quận Đống Đa, Hà Nội
Hồ Chí Minh: Phòng 6.16, Rivergate Resident 153-155 Bến Vân Đồn, Phường 6, Quận 4, TPHCM
Facebook: https://www.facebook.com/luatsuthuongmai
Hotline: 0903 217 988
Email: contact@luatthienthanh.vn
[alo-form=2]