Giám hộ là việc cá nhân, tổ chức được chỉ định hoặc do người được giám hộ chọn lựa để thực hiện việc chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người được giám hộ. Hiện nay có rất nhiều trường hợp cần phải được giám hộ. Có thể kể đến như người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức làm chủ hành vi. Bài viết hôm nay sẽ hướng tới đối tượng cụ thể là Người mất năng lực hành vi dân sự. Vậy thủ tục đăng ký giám hộ cho người mất năng lực hành vi dân sự như thế nào? Hãy cùng Luật Thiên Thanh tìm hiểu.
Hiểu như thế nào về giám hộ và người được giám hộ?
Người giám hộ
Người giám hộ (có thể là cá nhân hoặc pháp nhân) là người có đủ điều kiện để trở thành người giám hộ theo quy định tại Điều 49 và 50 Bộ luật Dân sự 2015, cụ thể:
– Đối với cá nhân
- Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;
- Có tư cách đạo đức tốt và các điều kiện cần thiết để thực hiện quyền, nghĩa vụ của người giám hộ;
- Không phải là người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc người bị kết án nhưng chưa được xoá án tích về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, tài sản của người khác;
- Không phải là người bị Tòa án tuyên bố hạn chế quyền đối với con chưa thành niên.
– Đối với pháp nhân
- Có năng lực pháp luật dân sự phù hợp với việc giám hộ;
- Có điều kiện cần thiết để thực hiện quyền, nghĩa vụ của người giám hộ.
Người được giám hộ
Người được giám hộ là các cá nhân được quy định tại Điều 47 Bộ luật Dân sự 2015, bao gồm:
- Người chưa thành niên không còn cha, mẹ hoặc không xác định được cha, mẹ;
- Người chưa thành niên có cha, mẹ nhưng cha, mẹ đều mất năng lực hành vi dân sự; cha, mẹ đều có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; cha, mẹ đều bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; cha, mẹ đều bị Tòa án tuyên bố hạn chế quyền đối với con; cha, mẹ đều không có điều kiện chăm sóc, giáo dục con và có yêu cầu người giám hộ;
- Người mất năng lực hành vi dân sự;
- Người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.
Lưu ý:
– Một người chỉ có thể được một người giám hộ, trừ trường hợp cha, mẹ cùng giám hộ cho con hoặc ông, bà cùng giám hộ cho cháu.
– Trường hợp người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ lựa chọn người giám hộ cho mình thì khi họ ở tình trạng cần được giám hộ, cá nhân, pháp nhân được lựa chọn là người giám hộ nếu người này đồng ý.
– Việc lựa chọn người giám hộ phải được lập thành văn bản có công chứng hoặc chứng thực.
– Việc giám hộ phải được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về hộ tịch.
– Một cá nhân, pháp nhân có thể giám hộ cho nhiều người.
Hình thức giám hộ đối với người mất năng lực hành vi dân sự
Có 4 hình thức giám hộ, tuy nhiên đối với người mất năng lực hành vi dân sự thì chỉ áp dụng 3 hình thức giám hộ, cụ thể những hình thức giám hộ bao gồm:
- Theo sự lựa chọn của người được giám hộ (áp dụng với đối tượng có năng lực hành vi dân sự đầy đủ hoặc có năng lực thể hiện ý chí của mình tại thời điểm yêu cầu giám hộ)
- Giám hộ đương nhiên
- Giám hộ được cử
- Giám hộ chỉ định
Giám hộ đương nhiên của người mất năng lực hành vi dân sự
Căn cứ theo quy định tại Điều 53 Bộ luật Dân sự 2015 quy định như sau: Người giám hộ đương nhiên của người mất năng lực hành vi dân sự được xác định như sau:
- Trường hợp vợ là người mất năng lực hành vi dân sự thì chồng là người giám hộ; nếu chồng là người mất năng lực hành vi dân sự thì vợ là người giám hộ.
- Trường hợp cha và mẹ đều mất năng lực hành vi dân sự hoặc một người mất năng lực hành vi dân sự, còn người kia không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì người con cả là người giám hộ; nếu người con cả không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì người con tiếp theo có đủ điều kiện làm người giám hộ là người giám hộ.
- Trường hợp người thành niên mất năng lực hành vi dân sự chưa có vợ, chồng, con hoặc có mà vợ, chồng, con đều không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì cha, mẹ là người giám hộ.
Giám hộ được cử, chỉ định của người mất năng lực hành vi dân sự
Căn cứ theo Điều 54 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về cử, chỉ định người giám hộ:
– Trường hợp người mất năng lực hành vi dân sự chưa có người giám hộ đương nhiên thì Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của người được giám hộ có trách nhiệm cử người giám hộ.
– Trường hợp có tranh chấp giữa những người giám hộ hoặc tranh chấp về việc cử người giám hộ thì Tòa án chỉ định người giám hộ.
– Việc cử người giám hộ phải được sự đồng ý của người được cử làm người giám hộ.
– Việc cử người giám hộ phải được lập thành văn bản, trong đó ghi rõ lý do cử người giám hộ, quyền, nghĩa vụ cụ thể của người giám hộ, tình trạng tài sản của người được giám hộ.
– Tòa án chỉ định người giám hộ trong số những người giám hộ quy định tại Điều 53 BLDS. Trường hợp không có người giám hộ theo quy định tại Điều 53, Tòa án chỉ định người giám hộ hoặc đề nghị một pháp nhân thực hiện việc giám hộ.
Thủ tục đăng ký giám hộ cho người mất năng lực hành vi dân sự
Căn cứ Điều 20 và Điều 21 Luật hộ tịch 2014 quy định về thủ tục đăng ký giám hộ cho người mất năng lực hành vi dân sự như sau:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ
Người đăng ký giám hộ nộp hồ sơ gồm các giấy tờ sau:
- Tờ khai đăng ký giám hộ;
- Văn bản cử người giám hộ (đối với giám hộ cử) hoặc giấy tờ chứng minh điều kiện giám hộ đương nhiên (đối với giám hộ đương nhiên).Trường hợp có nhiều người cùng đủ điều kiện làm giám hộ đương nhiên thì nộp thêm văn bản thỏa thuận về việc cử một người làm giám hộ đương nhiên;
- Văn bản ủy quyền trong trường hợp ủy quyền đăng ký giám hộ.
- Giấy tờ tùy thân.
Bước 2: Nộp hồ sơ
Nộp tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có thẩm quyền.
Tùy từng địa phương sẽ có quy định về cách thức nộp hồ sơ khác nhau, nhưng sẽ có 3 hình thức nộp:
- Trực tiếp
- Trực tuyến
- Dịch vụ bưu chính
Bước 3: Giải quyết hồ sơ
– Người tiếp nhận có trách nhiệm kiểm tra toàn bộ hồ sơ, xác định tính hợp lệ của giấy tờ trong hồ sơ do người yêu cầu nộp, xuất trình; đối chiếu thông tin trong Tờ khai với giấy tờ trong hồ sơ.
– Nếu hồ sơ đầy đủ, hợp lệ, người tiếp nhận hồ sơ viết giấy tiếp nhận, trong đó ghi rõ ngày, giờ trả kết quả; nếu hồ sơ chưa đầy đủ, hoàn thiện thì hướng dẫn người nộp hồ sơ bổ sung, hoàn thiện theo quy định; trường hợp không thể bổ sung, hoàn thiện hồ sơ ngay thì phải lập thành văn bản hướng dẫn, trong đó nêu rõ loại giấy tờ, nội dung cần bổ sung, hoàn thiện, ký, ghi rõ họ, tên của người tiếp nhận.
– Sau khi nhận đủ hồ sơ, nếu thấy yêu cầu đăng ký giám hộ đủ điều kiện theo quy định pháp luật thì công chức tư pháp – hộ tịch báo cáo Chủ tịch UBND cấp xã.
Trường hợp Chủ tịch UBND cấp xã đồng ý giải quyết thì công chức tư pháp – hộ tịch ghi vào Sổ đăng ký giám hộ, hướng dẫn người yêu cầu đăng ký hộ tịch kiểm tra nội dung Trích lục đăng ký giám hộ và Sổ đăng ký giám hộ, cùng người đi đăng ký giám hộ ký vào Sổ. Chủ tịch UBND cấp xã cấp Trích lục đăng ký giám hộ cho người yêu cầu.
Lưu ý:
– Người có yêu cầu đăng ký giám hộ trực tiếp thực hiện hoặc ủy quyền cho người khác thực hiện việc đăng ký giám hộ;
– Thời hạn giải quyết: 03 ngày làm việc.
Nếu có nhu cầu tư vấn pháp luật hãy liên hệ với Luật Thiên Thanh:
Hà Nội : Phòng 302, tầng 3, 142 Lê Duẩn, phường Khâm Thiên, quận Đống Đa, Hà Nội
Hồ Chí Minh: Phòng 6.16, Rivergate Resident 153-155 Bến Vân Đồn, Phường 6, Quận 4, TPHCM
Facebook: https://www.facebook.com/luatsuthuongmai
Hotline: 0903 217 988
Email: [email protected]
[alo-form=2]